Thực hiện Thông bạch số 225/TB-HĐTS, ngày 01/11/2018 của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN về việc hướng dẫn tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 710 ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, Sáng ngày 6/12 ( 30/11/Mậu Tuất), BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng đã trang nghiêm trọng thể tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 710 ngày Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn ( 1038 – 2018) tại chùa Long Hoa – Ngôi chùa có tôn tượng Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên núi lớn nhất Hải Phòng, thuộc quần thể khu danh thắng Núi Voi, xã Trường Thành, Huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.
Quang lâm tham dự buổi lễ có sự hiện diện của HT. Thích Huệ Minh – Ủy viên Ban thường trực HĐTS TƯ GHPGVN, trưởng Ban nghi lễ TƯ GHPGVN; HT. Thích Giác Liêm – Ủy viên Ban thường trực HĐTS TƯ GHPGVN, phó trưởng Ban Nghi lễ TƯ GHPGVN; TT. Thích Hạnh Trí – Ủy viên HĐTS; TT. Thích Thanh Giác – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, trụ trì chùa Long Hoa; Đại đức Thích Tục Thành – Ủy viên thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, trưởng BTS GHPGVN huyện Thủy Nguyên, cùng đông đảo chư tôn thiền đức tăng ni BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, chư tôn đức tăng ni trong và ngoài thành phố Hải Phòng.
Về phía đại biểu khách mời có sự hiện diện của ông: Dương Ngọc Anh – Phó trưởng Ban tôn giáo thành phố Hải Phòng; ông: Lê Văn Nhã: Nguyên Phó giám đốc sở Nội Vụ, trưởng Ban tôn giáo thành phố Hải Phòng; ông: Nguyễn Ngọc Phương: Trưởng ban phong trào UB MTTQVN thành phố Hải Phòng, ông: Trần Hữu Nghị – Phó chủ tịch Ban chấp hành họ Trần, các ông bà lãnh đạo đại diện cho các sở ban ngành thuộc HĐND, UBND, UB MTTQVN xã Tràng Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, cùng đông đảo quý Phật tử, du khách thập phương và nhân dân địa phương.
Như chúng ta đã biết, Trúc Lâm Điều Ngự – Trần Nhân Tông là một con người rất nổi bật ở nhiều mặt, một nhân cách sáng ngời, là một nhà lãnh đạo tài ba, kiệt suất và được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng, tạo nên kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 và lần thứ 3. Không những thế, Ngài còn là một nhà chính trị xuất chúng, là một vị Hoàng đế nằm trong danh sách 14 anh hung Dân tộc tiêu biểu của Việt Nam và là một nhà văn hóa, nhà tôn giáo tuyệt vời.
Chư tôn đức tăng ni và chính quyền dâng hương tưởng niệm
Đặc biệt hơn cả là Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông có đóng góp rất lớn đối với Phật giáo nói chung và dòng phái thiền nói riêng, Ngài là người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đây là dòng thiền riêng của người Việt. Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của bốn dòng thiền đã có mặt tại Việt Nam. Nhắc đến thiền phái Trúc Lâm cũng là nhắc tới tinh thần nhập thế của Phật giáo với tư tưởng Hòa quang đồng trần. Đó là tư tường: “ Phật giáo của mọi người, không hạn chế trong tăng sỹ, cũng không hạn chế trong chùa chiền…”. Tư tưởng đó làm cho đạo Phật mặc dù có giáo lý cao siêu thâm diệu nhưng vẫn có nền tảng quần chúng rộng rãi.
Trên tinh thần đó, để tưởng nhớ đến công ơn của Ngài đối với non sông Đất nước và đối với đạo Phật, chư tôn đức BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Toàn cảnh buổi lễ
Thay mặt cho BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, TT. Thích Thanh Giác – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng đã lên cung tuyên Sơ Lược Tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trong phần cung tuyên tiểu sử có đoạn: “Về Phật pháp, Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. Ngài tâm đắc nhất là câu: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được) và tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm Thầy. Ngài thường tới lui chùa Tư Phúc trong kinh thành để tụng kinh, tọa thiền, lễ bái Tam Bảo. Năm 1299. Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử – Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa.” Qua đây cho chúng ta thấy rằng Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một người có công rất lớn đối với Phật giáo và dòng thiền Trúc Lâm.
Nhân dịp này, Đại đức Thích Tục Thành – Ủy viên thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng đã lời tưởng niệm Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Lời tưởng niệm có đoạn: “ Công đức hoằng dương Phật pháp của Tổ Sư sau khi ngộ đạo, Điều ngự Giác Hoàng, Vua Phật trần gian, trăm hoa đua nở, ngàn cỏ hương thơm, chín nước, mười mây vang rền tiếng Pháp, chống gậy trúc dạo chơi thiên hạ, nâng gót hài đại địa vững bền. Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như Tổ sư đã dạy ‘Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi. Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau. GHPGVN hôm nay nguyện tiếp tục sự nghiệp quang huy của Tổ, xây dựng một Tịnh độ tại nhân gian bằng tinh thần Phật giáo Việt Nam, con người Việt Nam và Dân tộc Việt Nam”.
Trong không khí trang nghiêm, trọng thể, chư tôn đức BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng, lãnh đạo chính quyền, Phật tử và nhân dân địa phương đã một lòng thành kính dâng nén tâm hương tưởng niệm Đức Tổ Sư Điều Ngự Giác Hoàng, nguyện cầu âm siêu dương khánh, thế giới hòa bình chúng sinh an lạc và Phật Pháp được mãi mãi trường tồn.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Thực hiện: Thành Trung