Chùa Keo – di tích đặc biệt cấp quốc gia biểu tượng cho quê lúa Thái Bình, ai đến thăm nới đây đều muốn tới chiêm bái để hiểu về truyền thống lịch sử, thêm trân quý di sản của cha ông ta để lại.
Hằng năm Chùa Keo có hai kỳ mở hội, hội xuân và ngày mồng 4 Tết Nguyên Đán,hội chính mùa Thu từ 10-15 tháng 9 Âm lịch để tưởng nhớ bách nhật và ngày sinh của Thiền sư Không Lộ. Năm 2017 Lễ hội Chùa Keo được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Với nét kiến trúc độc đáo từ thời hậu Lê thế kỷ 17 trong đó nổi bật là kiến trúc gác chuông mang dáng búp sen vươn cao cùng hệ thống tượng pháp còn hầu như nguyên vẹn thì di văn Hán Nôm Chùa Keo còn đến ngày nay đã thu hút sụ quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và du khách.
Những văn bia, biển ngạch,hoành phi câu đối, chung văn, sắc phong, mộc bản, kinh sách in và chép tay…là di sản Hán Nôm vô cùng quý giá. Thông qua di văn này một phần giá trị của lịch sử cùng kho tàng văn học để lại cho hậu duệ tìm hiểu và gìn giữ.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến bức hoành phi độc đáo tại gian giữa chùa Giá roi, nơi trục thần đạo đi qua. Bức hoành phi có 4 đại tự : “Lý Thế Quốc Sư” và lạc khoản Khải Định tam niên (1918). Phần chữ Hán này do danh nhân Nguyễn Hữu Cương viết trước đó, phần tịnh tài quyên góp làm bức hoành phi này do nhân dân Làng Keo Thái Bình và làng Hành Thiện Nam Định tiến cúng.
Cụ Nguyễn Hữu Cương (1855 – 1912) người làng Động Trung, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cụ là con cả của cụ Nguyễn Mậu Kiến. Thời trai trẻ cùng cha và em là Nguyễn Hữu Bản khẩn hoang vùng đất Tiền Hải với doanh điền Doãn Khuê. Với tài năng văn võ cụ dạy học, mở xưởng in sách truyền bá tư tưởng yêu nước chống Pháp. Sau khi thành Hà Nội bị đánh chiếm lần hai năm 1882, cụ cùng em trai và Đề đốc Lê Văn Điếm án sát Hồ Bá Ôn giữa thành Nam Định.
Tháng 7/1885 vua Hàm Nghi (Trước đây là học trò của cụ Nguyễn Doãn Cử – người làng Keo ) ra chiếu Cần vương đánh Pháp . Nguyễn Hữu Cương tập hợp thanh niên nhân dân trong vùng hưởng ứng. Sau nhiều năm theo dõi, cuối năm 1908 Pháp bắt Nguyễn Hữu Cương đày đi nhà lao Cần Thơ và Cụ mất ở đây ngày 12/5/1912.
Cụ để lại tập thơ “Mai Hồ thi cảo” cùng tập họa cảo Mặc Hý.
Các cụ làng Keo kể lại: mồng 4 tết Bính Tý 1876 niên hiệu Tự Đức lúc đó Nguyễn Hữu Cương mới 22 tuổi nhưng tài văn võ đã nức tiếng, đi lễ hội Chùa Keo. Khi hội tung pháo mãn, Cụ hội chủ cùng các chức sắc trong làng và nhiều thầy như cử nhân Nguyễn Doãn Trung, cử nhân Nguyễn Doãn Tựu, Nguyễn Tất Biểu…. tiếp và giao lưu cùng Nguyễn Hữu Cương. Các cụ có nhã ý xin chữ thư pháp để dân làng làm hoành phi tiến cúng vào chùa. Vì không chuẩn bị trước nên không mang nghiên bút viết đại tự, cụ nhờ nhà chùa xin giấy bản can lại cho to vừa đủ. Cụ bảo người lấy mấy đấu gạo về đây để cụ… viết chữ. Mọi người nhìn nhau chưa hiểu thế nào. Cụ lấy gạo rải đều kín mặt giấy, tiếp bảo người tìm tàu lá cau, sau đó cụ bó lại thành cây chổi, đến lúc này mọi người mới hiểu. Với bút pháp điêu luyện, cụ dùng chổi “viết ” thực chất là quét tấm giấy phủ gạo. Cách vận “bút” của người học võ có lực đủ mạnh, gạt phần hạt gạo đi, để lộ phần giấy trống. Sau đó cụ dùng bút lâm thiếp lại đường viền là xong.
Tính đến nay 2018 bức đại đúng 100 năm, từ lúc viết chữ (1876) đến khi dân làng cho người chạm khắc trải qua 42 năm. Người làm phần mộc sơn thiếp là Cụ Nguyễn Hữu Cần quê Hành Thiện Nam Định.
Trải qua những năm tháng gian khó cùng công lao của nhiều người, nhiều địa phương bức hoành phi mới hoàn thành.
Thật đáng trân quý!
Văn Thuyên