Ngày Xuân trẩy hội chùa Keo

Tổ đình chùa Keo nổi tiếng với kiến trúc đặc sắc tiêu biểu của thế kỷ XVII – thời nhà Lê. Toàn bộ công trình nằm trên địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Hàng năm, Tổ đình chùa Keo có hai kỳ mở hội chính, đó là lễ hội tháng 9 âm lịch hay còn gọi là hội mùa Thu và hội tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng âm lịch – đó là hội Xuân.

Kỳ lễ hội tháng 9 được mở ra nhằm kỷ niệm ngày sinh và lễ bách nhật của Dương Không Lộ Thiền sư – một danh y – một đại sư và quốc sư thời Lý. Đối với hội Xuân mùng 4 tháng giêng thì đây là hội mang tính chất lễ hội nông nghiệp lúa nước – một lễ hội tiêu biểu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cụm công trình Tổ đình chùa Keo Thái Bình nhìn từ trên cao

Sáng mồng 4 Tết , hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về chùa Keo, trong không khí tưng bừng đầu xuân mọi người như vui hơn, đẹp hơn. Đến lễ hội này trong những ngày xuân tất cả đều cầu mong điều may mắn đến với mình, cầu cho mưa thuận gió hòa để hưởng một mùa bội thu thóc lắm khoai nhiều. Điều đặc biệt ở lễ hội Xuân chùa Keo là có rất nhiều trò chơi dân gian gắn với đời sống hàng ngày của bà con nông dân, như trò thổi cơm thi, bắt vịt, đấu cờ,…

Làng Keo xưa được chia làm tám giáp. Bốn giáp Đông là: Đông Nhất, Đông Nhị, Đại Hữu, Vọng Đông và bốn giáp Đoài là Đoài Nhất, Vọng Đoài, Hoàng Quý và Đường Thịnh. Để chuẩn bị cho các cuộc thi nấu cơm, các giáp đã phải cử người và có phương án từ trong năm. Những nông phẩm tốt như đậu xanh, gạo nếp được lựa chọn kỹ, người ta còn công phu chọn những thanh nứa thật già phơi hong thật khô để lên gác bếp hàng năm thật cẩn thận. Các thanh nứa này dùng vào việc kéo lửa để từ đó lấy nguồn lửa thi nấu cơm, nấu chè.

Các giáp cử người thi chạy lấy nước

Trước cửa chùa ông Hộ rất nhiều du khách đứng kín để xem buổi thi nấu cơm. Các giáp chọn các chàng trai khỏe mạnh nhanh nhẹn tham gia cuộc thi chạy giải bốn vòng quanh hồ. Mỗi chàng trai xách một cái lọ, họ đều cố gắng chạy thật nhanh để mang nước về cho giáp của mình, cùng lúc đó các giáp bước vào công việc vo gạo, đãi đỗ giã bột. Khi các trai làng mang được nước về trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người thì việc kéo lửa được bắt đầu. Mỗi giáp cử ra hai người khỏe, khéo léo lấy hai thanh nứa già kéo mạnh vào nhau, bên dưới đặt bùi nhùi được đặt từ thân cây xoan ngâm. Nhờ ma sát mạnh sinh ra  nhiệt và bén vào bùi nhùi.

Các giáp thi tập trung chuẩn bị kéo lửa

Người xem vây kín hồi hộp theo dõi cách lấy lửa hết sức đơn giản. Khi mồi lửa bốc cháy lên thì tiếng hò reo vỗ tay vang dậy. Giáp nào kéo được lửa cháy trước thì giáp đó được cộng thêm điểm. Khi các bếp có lửa, người tham gia bắt tay vào nấu xôi, thổi cơm và nấu chè. Mọi công việc đều phải nhanh chóng nhưng cần gọn gàng, tránh đổ vỡ. Không khí hết sức khẩn trương, tiếng trống giục giã, tiếng reo hò tán thưởng không ngớt. Đến thời điểm quy định về thời gian đã hết, các giáp tham dự phải có đủ xôi rền, cơm dẻo không sống không khê, chè có độ ngọt đậm. Tất cả đều phải đạt yêu cầu về thời gian , chất lượng và cảm quan đẹp.

Các giáp và du khách thập phương hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc thi

Trong cuộc thi bắt vịt hầu hết lực lượng tham gia đều là các thanh niên khỏe mạnh. Đây là cuộc thi thể thao quần chúng mang tính chất vui nhộn. Trên hồ Nam trước cửa chùa người ta thả những những con vịt đã được lựa chọn từ trước có khả năng bơi lặn giỏi và dai sức. Người tham gia phải bơi lặn làm sao để bắt được vịt. Người xem cười vang cổ vũ tán thưởng cho các “vận động viên bơi lội” mỗi khi đến gần chú vịt, sắp bắt được thì vịt lại lặn mất tăm. Nhiều người dự thi càng vui hơn.

Nguyễn Văn Thuyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn