Lễ hội chùa Keo Thái Bình – nơi hội tụ những giá trị văn hóa

Hội thu chùa keo 2018
hội tháng 9 chùa keo

Chùa Keo xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình mỗi năm tổ chức hai mùa lễ hội. Hội xuân được mở vào ngày mồng bốn tháng Giêng âm lịch. Lễ hội mùa thu được mở từ 10-20/9 âm lịch, đây là lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội chùa Keo diễn ra với các nghi lễ tôn giáo và một số phong tục cổ truyền để tưởng nhớ Thiền sư Dương Không Lộ – người đã có công với dân, với nước. Trong lễ hội, thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian lối sống của vùng dân cư châu thổ sông Hồng mang đậm màu sắc văn hoá nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ cũng đã được tái hiện. Với những giá trị văn hóa tâm linh, giá trị lịch sử lâu đời, lễ hội chùa Keo Thái Bình thực sự là nơi hội tụ những giá trị văn hóa xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2017

1. Lịch sử hình thành lễ hội 

Theo lẽ thường của nhân dân ta xưa nay, khi có một người quá cố thì gia tộc sẽ lấy ngày mất để giỗ chạp; một vị Thần, Thánh khi viên tịch thì lấy ngày hóa để tổ chức lễ hội tưởng nhớ. Nhưng lễ hội chùa Keo tuyệt nhiên lại không tuân theo lẽ thường ấy. Thánh Dương Không Lộ sinh ngày 14/9/1016, hóa sáng ngày 03/6/1094, nhưng lễ hội chính tại chùa Keo lại được tổ chức vào 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9 âm lịch. Khi xưa, để lựa chọn thời gian tổ chức lễ hội phù hợp, các bậc cao niên trong làng đã kết hợp hài hòa hai đại lễ và 1 tiết (tháng) thành một hội rước lớn. Ngày 13 là đại lễ tuần “bách nhật” (cúng 100 ngày kể từ ngày hóa: Sáng mồng ba tháng sáu) của Đức Thánh. Ngày 14 là ngày kỉ niệm sinh nhật của Người, ngày 15 là lễ tiết ngày rằm hàng tháng của đạo Phật. Bên cạnh đó, việc làng Keo đã chọn ngày để tổ chức lễ hội chùa Keo là có chủ định tập trung vào ngày 14 (ngày sinh của Thánh Dương Không Lộ) cũng rất độc đáo. Ngày hôm ấy Thánh thanh thoát mới vui mừng hưởng lộc, hân hoan thích thú với cuộc vui. Khi người Pháp đến chùa Keo đã có nhận xét: các vị tiền bối ở làng Keo có nhân sinh quan tiến bộ trọng ngày sinh hơn ngày tử (coi giỗ ngày bách nhật như giỗ ngày hóa).

Ảnh cổ về đoàn rước kiệu trong lễ hội truyền thống chùa Keo

2. Hội mùa thu chùa Keo Thái Bình có phần nghi lễ độc đáo

Phần nghi lễ tại hội chùa Keo Thái Bình, cuộc đời Thiền sư Dương Không Lộ được tái hiện như một bài diễn xướng lịch sử thông qua hai phần nghi thức chính: lễ rước Kiệu Thánh và múa ếch vồ.

a. Lễ rước Kiệu Thánh

Lễ rước kiệu Thánh được thực hiện vào ba ngày hội chính 13-15/9 âm lịch. Đoàn rước khởi đầu từ tòa “Thượng điện” ra “Tam quan ngoại”. Đến tối lại rước bài vị Thánh vào tòa “thiêu hương”. Rước ra, rước vào đều theo hình chữ Á khép kín, được gọi là “xuất á, nhập á”.

Đoàn rước gồm: đội tập phúc là các vãi già mặc áo nâu, tay cầm cành phan, tay cầm dải vải dài, gọi là cầu rước Thánh; đoàn mục đồng tay cầm cờ thần, tượng trưng cho những em bé chăn trâu cắt cỏ được gần gũi Không Lộ khi ông làm nghề chài lưới; hai con ngựa, một hồng, một bạch; xe chở trống, chiêng; đội các lão ông cầm bát bửu; phường bát âm; đội múa sênh tiền; giá tiểu đĩnh; đội rước chấp kích; giá thuyền rồng sơn son thiếp vàng; đội khiêng long đình; đội khiêng nhang án; nhân dân và du khách thập phương. Quán xuyến đám rước là ông chủ hội và ông tổng cờ.

Đoàn rước kiệu Thánh

Đoàn rước đi từ thánh điện ra ngoài tam quan ngoại, quãng đường rước khoảng 500m. Buổi sáng khi rước thánh ra thì rước qua mạn Đông bờ ao, buổi chiều rước về qua mạn Tây bờ ao. Trong khi tiến hành cuộc rước trên bờ, ở dưới ao trước chùa cũng diễn ra cuộc bơi thuyền. Có 8 em nhỏ, độ tuổi 13 – 14, mặc áo vàng, đội khăn đỏ tết hình hai trái đào, ngồi thành bốn đôi cân đối, bơi bằng dầm gỗ trên một chiếc thuyền nhỏ, gọi là thuyền cò cốc. Trên thuyền còn có hai người lớn, một người đánh mõ và một người lái, mặc áo vàng, khăn vàng, thắt dây lưng đỏ bỏ mối bên trái. Tám mái dầm bổ xuống nước ăn nhịp với tiếng mõ và tiếng “hò dô” của 8 em nhỏ làm cho chiếc thuyền cò cốc lướt nhẹ trên mặt nước quanh ao. Thuyền bơi có tính chất biểu diễn để thờ Thánh.

b. Múa vồ ếch

Chiều 14, khi cuộc thi chèo trải vẫn đang diễn ra, nhưng trong chùa, tại tòa giá roi được tiến hành một nghi lễ chầu Thánh mang tính chất văn nghệ. Đó là một điệu múa cổ, người làng Keo gọi là múa ếch vồ.

12 người hàng đội (Chân kiệu chính) y phục như khi rước kiệu, xếp thành hai hàng dọc ở gian giữa, quay mặt vào phái thượng điện. Ông chấp hiệu nội gõ chiếc trống con trên tay làm hiệu lệnh chỉ huy. Sau hồi trống dạo đầu, hai hàng đội đứng chỉnh tề. Ông chấp hiệu nội gõ một tiếng trống, 12 chân kiệu để hai tay trước ngực, rồi quỳ xuống, hai bàn tay chống xuống đất trước mặt, hai đầu bàn chân xoay chếch về hai phía, hai gót chân chụm lại đội lấy mông. Ông chấp hiệu nội gõ tiếng trống tiếp theo, hai hàng đội vung mạnh hai tay về phía trái, cho toàn thân bật dậy trở về tư thế ban đầu. Cứ như thế được lặp đi, lặp lại 5 lần. Chỉ mấy động tác đơn giản như thế, nhưng trông rất khỏe mạnh, dứt khoát. Đây là hình thức lễ Thánh của 12 trai chân kiệu đã được cách điệu như một điệu múa.

Có thể thấy rằng tiến trình thực hiện nghi lễ trong lễ hội chùa Keo  có nội dung rất phong phú, hình thức khá đa dạng. Bằng những nghi lễ tôn giáo nói trên kết hợp với các lễ nghi khác như: múa chèo trải cạn, nghi lễ hầu Thánh…, Hội Chùa Keo đã phản ánh được nhiều tình tiết của sự tích về thiền sư Dương Không Lộ.

3. Lễ hội chùa Keo Thái Bình phản ánh văn hóa của cư dân nông nghiệp

Đến với lễ hội chùa Keo Thái Bình, du khách không chỉ được đáp ứng các nhu cầu tâm linh thông qua các các nghi lễ truyền thống mà còn được trải nghiệm các hoạt động văn hóa tinh thần đặc trưng của cư dân nông nghiệp Bắc Bộ.

Tại lễ hội chùa Keo các hoạt động vui chơi dân gian thu hút được rất nhiều sự quan tâm của du khách: thi cờ người, đập niêu, kéo co,… Đặc biệt các màn hát đối đáp giao duyên của chương trình “du thuyền hát hội” luôn được rất nhiều du khách chờ đón.

Trong lễ hội truyền thống chùa Keo cuộc thi đua trải chính là cuộc thi tiêu biểu đại diện cho nét văn hóa của cư dân vùng nông nghiệp trong mùa lễ hội. Tham gia cuộc thi là các chàng trai đóng khố, mặc áo nẹp ngắn không tay và chít khăn đồng màu. Khi người cầm loa truyền lệnh của ông chủ Hội nhắc nhở lại luật lệ cuộc đua. Trong tư thế sắn sàng của các trải và qua những giây phút chờ đợi hồi hộp, tiếng trống cái nổi lên từ phía bờ sông, các trải bắt đầu bơi. Người chấp hiệu đánh mõ, các mái chèo đẩy đều hai bên, người cầm lái dậm chân. Động tác của mọi người ăn nhịp với tiếng mõ và tiếng “Dô hò” đẩy trải lướt nhanh trên sông. Trong tâm thức của nhân dân trong vùng, Hội bơi trải không chỉ tạo ra không khí hồ hởi, hào hứng, xóa đi những lo toan hiện thực, con người thực sự thăng hoa để chỉ còn cảm giác được say sưa cùng mây trời, sông nước mà hội bơi trải chùa Keo còn là mong muốn của người dân có sức tác động đến thế giới thần linh, khuấy động long cung, đánh thức Thủy thần dậy để nghe lời cầu khẩn của cư dân nơi đây. Từ đó điều hòa lượng nước hàng năm để nhân dân cày cấy thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, sinh sôi, nảy nở. Nguồn nước như một phúc thần, mang lại phúc lộc cho cả năm.

Ảnh cổ ghi lại cuộc thi đua trải

Kết luận

Chùa Keo là một di sản văn hóa đặc biệt quý báu, lữ khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan, mà sẽ tìm được những phút giây thư giãn khi đi dạo dưới những hàng cây gạo, cây đa, cây đề cổ thụ xôn xao xòa bóng mát. Cây ngọc lan, cây đại, cây ngâu,… tầng tầng đan dệt, đến cây bàng, cây nhãn, cây sung lặng lẽ soi bóng bên hồ gợn sóng lung linh, tạo lên bức tranh quê đậm sắc cố hương, khiến người vô tâm nhất cũng không thể vô tình. Đặc biệt đến với chùa Keo Thái Bình vào dịp lễ hội sẽ là một cơ hội đặc biệt để quý khách thực sự trải nghiệm một không gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ban thông tin truyền thông Tổ đình chùa Keo – Thái Bình

 

 

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn