Những điều cần biết khi tham quan Tổ đình chùa Keo – siêu hữu ích (Kỳ I)

chua keo thai binh

Giới thiệu sơ lược lịch sử Tổ Đình Chùa Keo

Theo văn bia còn lưu lại tại Tổ Đình Chùa Keo, dưới thời vua Lý Thánh Tông, Tổ Đình Chùa Keo được xây dựng bởi Thiền sư Dương Không Lộ ở ven sông Hồng từ năm 1061 tại hương Giao Thủy, phủ Hải Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang Tự, đến năm 1167 được đổi thành Thần Quang Tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là Tổ Đình Chùa Keo.

Sau gần 500 năm tồn tại, năm Tân Hợi (1611), một trận lũ lớn đã ập đến vùng này, cuốn trôi ngôi chùa Nghiêm Quang xưa. Trang ấp nơi đây cũng có sự thay đổi khi hai làng Hành Cung và Dũng Nhuệ phải dời đi hai nơi. Dân làng Hành Cung rời về Đông Nam hữu ngạn sông Hồng, đến đời Vua Minh Mạng (1820-1840) đổi thành Hành Thiện (Nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Dân làng Dũng Nhuệ chuyển cư sang phía Đông Bắc tả ngạn sông Hồng, đời Vua Tự Đức (1848-1883) đổi thành làng Dũng Mỹ; đời Vua Thành Thái (1889-1907) đổi thành Hành Nghĩa (nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Năm 1630 – 1632 nhân dân làng Dũng Nhuệ được sự bảo trợ, giúp đỡ của viên quan Dực Vận Tán Trị Công Thần, Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Nội Thị Giám, Tổng Thái Giám, Chưởng Sự Giám, Tuấn Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng cùng vợ là bà Lại Thị Ngọc Lễ và kiến trúc sư là Quận công Nguyễn Văn Trụ dựng lên Tổ Đình Chùa Keo gồm 21 công trình để thờ tự (nay là Tổ Đình Chùa Keo nằm trên địa bàn xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “Nội nhị công, ngoại nhất quốc”, đặc biệt công trình Tháp chuông được công nhận là tháp chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam.

Năm 2012 Tổ Đình Chùa Keo – Thái Bình được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017 lễ hội Tổ Đình Chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

toan canh chua keo
Cụm công trình Tổ đình chùa Keo nhìn từ trên cao

Phương tiện di chuyển

Để đến khu di tích lịch sử Tổ Đình Chùa Keo, bạn có thể di chuyển theo 2 cách sau đây:
– Di chuyển bằng xe khách: Từ Hà Nội bạn có thể bắt xe khách tuyến Hà Nội – Thái Bình (giá vé giao động 80.000đ – 100.000đ) tại bến xe Giáp Bát, bến xe Gia Lâm về đến điểm dừng cầu Thẫm, sau đó bạn bắt taxi hoặc xe ôm tới Tổ Đình Chùa Keo. Tại bến xe Giáp Bát, bạn cũng có thể bắt xe khách nhà xe Mai Tuyên để về thẳng điểm cuối là Tổ Đình Chùa Keo.

          – Hoặc để thoải mái về thời gian, bạn có thể chủ động di chuyển từ Hà Nội về Thái Bình bằng xe máy theo hai cung đường sau:

          + Hà Nội-QL1 đến Đồng Văn rẽ trái qua cầu Yên Lệnh rồi tiếp tục lên quốc lộ 39 ở địa phận Hưng Yên qua cầu Triều Dương là sang tới đất Thái Bình.

+ Từ Hà Nội-QL1 chạy tới Phủ Lý rẽ trái để vào QL21, tới cầu vượt ở QL10 thì rẽ trái lên hẳn QL10 chạy thẳng tới cầu Tân Đệ là về tới Thái Bình.

Lưu ý: Nếu chạy xe máy về Thái Bình bạn nên đi cẩn thận, vì đường ở cầu Thiều Dương tới Hưng Hà rất xấu, trên cao tốc Pháp Vân-cầu Giẽ hay có bắn tốc độ…

nhungdieucanbietkhidulich-1

Thời điểm nào thích hợp tham quan Tổ Đình Chùa Keo?

Nếu bạn muốn kết hợp tham quan du lịch cùng các trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc biệt là văn hóa tâm linh, bạn nên đến Tổ Đình Chùa Keo vào 2 mùa lễ hội được tổ chức hàng năm: lễ hội mùa Xuân (mở vào ngày mùng 4 Tết) và lễ hội mùa Thu (diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20/9 âm lịch).

Hoặc bạn có thể đến Tổ Đình Chùa Keo vào những ngày hè để chiêm ngưỡng vẻ đẹp chốn thiền môn vào độ hoa gạo hay họa đại nở rộ.

Ngoài ra, Tổ Đình Chùa Keo mở cửa tất cả các ngày trong tuần để phục vụ nhu cầu thăm quan và chiêm bái của du khách.

51548885_631086053978819_7383980909986316288_n
Không gian Tổ đình chùa Keo vào Lễ hội mùa Thu

Lưu ý khi đi du lịch tại Tổ đình Chùa Keo

Một số lưu ý khi đến tham quan Tổ Đình Chùa Keo nếu bạn muốn công đức hành hương lễ Phật được viên mãn:

– Không sử dụng ngôn từ mất lịch sự, to lời lớn tiếng; hãy nói nhỏ nhẹ, ôn hòa, giữ phong thái trang nghiêm…

– Không chen lấn, xô đẩy khi đi, đứng; hãy giúp đỡ, nhường bước nhường chỗ người già, trẻ nhỏ.

– Không mang vũ khí, các chất ma túy, gây nghiện, chất gây cháy nổ; không sử dụng, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy và các loại tài liệu chưa được sự kiểm duyệt và cho phép của nhà chùa.

– Không đi tới những khu vực có biển “Cấm vào nội viện Tăng Ni”.

– Không nên làm mất vệ sinh, xả rác bừa bãi trong khuôn viên chùa.

– Nghiêm cấm các hành vi trái thuần phong mỹ tục khi đến cửa chùa.

– Không tự ý đánh chuông, trống và các pháp khí của chùa.

– Lễ phẩm cúng dàng phải được bày soạn trang nghiêm; không đặt tiền bừa bãi, nên để đúng nơi quy định.

– Nên hỏi kỹ giá, thuận mua vừa bán đồ lưu niệm và các sản phẩm hàng hóa bởi ngày lễ hội rất dễ diễn ra tình trạng chặt chém khách khó kiểm soát.

– Không nên mua những mặt hàng, sản phẩm không rõ nguồn gốc ở khu du lịch, những sản phẩm mê tín dị đoan, mất an toàn có hại cho sức khỏe… Bởi nhiều người lợi dụng lòng tin của khách hàng nên thường bán những mặt hàng giả, kém chất lượng hoặc lừa đảo.

trang-phuc-di-chua-7

(Còn tiếp…)

Tổng hợp

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn