Nỗi buồn hay phiền muộn là một thuộc tính cảm xúc cơ bản của con người. Hiểu theo từ ngữ Phật học chuyên môn thì buồn chính là não: là cảm xúc man mác, bực dọc, khó chịu… của chúng ta mỗi khi gặp khó khăn, thất bại hay không đạt được những điều như ý muốn trong cuộc sống. Và như cổ nhân đã từng nói, đã là con người ai ai cũng không thể tránh khỏi “Một thời buồn đau”.
Trạng thái cảm xúc buồn vốn dĩ là một hạt giống có sẵn và cần thiết đối với con người. Bởi vì buồn chính là biểu hiện của sự sống. Con người biết buồn là con người có nhận thức, có phản ứng tích cực trước những tác động của cuộc sống. Trên thực tế, cũng có những trường hợp vì buồn mà một người có thêm ý chí và sức mạnh để làm việc, học tập và đạt được thành công ngoài mong đợi. Tuy nhiên, những hiện tượng đó có tỉ lệ rất thấp. Phần đa khi chúng ta gặp chuyện buồn đều trở nên yếu đuối, mù quáng và thậm chí có những hành động dại dột như không thiết tha làm việc, bỏ bê nhà cửa, không chăm sóc bản thân, sa đọa vào các tệ nạn đẫn đến ốm đau bệnh tật và thậm chí là kết liễu mạng sống của mình…
1. Nhận diện nỗi buồn
Như đã nói ở trên, nỗi buồn của con người bắt nguồn từ những khó khăn của cuộc sống và tồn tại dưới nhiều trạng thái khác nhau. Có những nỗi buồn nhẹ, buồn vu vơ, hay buồn da diết, buồn đau quằn quại… Tùy vào mức độ của nguyên nhân: do nhớ nhung, do thất tình, do học hành không tốt hay do thất bại trong công việc mà mỗi người có những trạng thái buồn khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì dù là trạng thái buồn ở mức độ nào, nếu không có sự kiểm soát, không nhận diện ra được nỗi buồn trong lòng mình để tìm kiếm phương cách giải quyết thì hậu quả vẫn rất đáng lo ngại.
Ví dụ như những câu chuyện về cô bé, cậu bé chỉ vì thi rớt đại học mà tìm đến cái chết. Lại có người vì thất tình mà đâm ra chán nản nghiện ngập. Hay câu chuyện của một cụ ông ở miền Tây vì thương nhớ vợ mà trở nên bệnh nặng rồi qua đời…
Những lý do buồn kể trên thiết nghĩ không đáng để dẫn đến một kết cục bi thương như thực tế đã diễn ra. Xét cho cùng thì có lẽ nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bế tắc của tất cả chúng ta đó là do tự bản thân chúng ta đã đánh mất khả năng soi xét mình khi bị hoàn cảnh khó khăn chi phối.
Đức Phật đã từng dạy: “Đạo không nằm trên bầu trời, đạo nằm trong tim” và chỉ có người nào nhận thức được về mình thì người đó mới thức tỉnh. Trong trường hợp này, nếu như chúng ta gặp chuyện buồn, khoan hãy vội buông xuôi. Hãy bình tâm suy nghĩ để nhận diện nỗi buồn trong lòng mình: nó diễn ra như thế nào, bao lâu và do nguyên nhân gì. Từ những phân tích đó chúng ta mới dần dần ngộ ra những cái đúng, những cái sai và tìm ra phương cách giải quyết phù hợp cho vấn đề của chính mình, tránh được hệ lụy xấu xảy ra như nhiều trường hợp kể trên.
2. Suy nghĩ theo hướng tích cực
Một khi đã nhận diện được nỗi buồn thì tin rằng chúng ta đã bắt đầu bình tĩnh. Điều quan trọng ở đây đó là cách phân tích và nhìn nhận vấn đề của bạn theo hướng nào. Chúng tôi xin kể một giai thoại về nhà bác học Edison như sau:
Edison và vợ làm lụng vất vả cả đời và dành dụm được khá nhiều tài sản. Tuy nhiên chỉ trong một đêm định mệnh, khi cả hai vợ chồng đang ngủ thì bỗng căn nhà bốc cháy. Ông và vợ may thay thoát chết, chỉ có căn nhà và toàn bộ đống tài sản đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Đứng nhìn cảnh cả gia nghiệp bốc cháy, vợ Edison khóc vật vã vì bà chỉ nhìn thấy những gì đã mất. Còn Edison, chỉ im lăng và nói “Hãy nhìn đám lửa cháy. Vì mình không có cơ hội thứ hai để nhìn nó nữa đâu”. Nói như vậy không phải Edison không buồn. Edison buồn nhiều. Nhưng khác với vợ, ngoài việc nhìn thấy ngôi nhà bị cháy, ông còn nhìn thấy cái may, đó là hai vợ chồng vẫn còn sống cho nên nỗi buồn của ông đã được kiểm soát và vơi đi phần nào.
Như vậy, có thể nói trong cùng một hoàn cảnh khó khăn nhưng tùy vào suy nghĩ của mỗi người mà dẫn đến hành động và kết quả sự việc cũng sẽ khác nhau. Chính vì thế, nếu như bạn đang gặp khó khăn hay thất bại, hãy tập nhìn ra thế giới xung quanh để thấy rằng vẫn còn nhiều người khổ hơn mình mà họ vẫn vượt qua được. Và quan trọng hơn là vẫn còn nhiều điều tốt đẹp bên cạnh mình. Đó là tình yêu của cha mẹ, là sự ủng hộ của bạn bè và còn có cả những ngã rẽ khác bạn có thể đi.
Nếu như thi trượt đại học, hãy quyết tâm ôn luyện để năm sau thi tiếp. Nếu không bạn có thể đi học nghề, học trung cấp hoặc đi làm… Còn nếu bạn buồn vì thất bại hãy nghĩ rằng mình có thêm kinh nghiệm và nỗ lực quyết tâm hơn để lần sau không còn bị vấp ngã nữa… Điều quan trọng là bạn phải biết chấp nhận cái lẽ “vô thường” của mọi sự. Rằng mọi thứ ở đời đến rồi đi hợp rồi tan là một điều tất yếu tùy thuộc vào duyên và luật nhân quả của nó. Chỉ khi hiểu được chân lý này thì chúng ta mới có thể dễ dàng buông xả mọi chuyện và chuyển hóa nỗi buồn trong lòng mình một cách triệt để.
3. Tham gia các hoạt động tích cực
Nhiều người có tâm lý trốn tránh nỗi buồn bằng cách uống rượu, hút ma túy và thậm chí là kết liễu cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta đều biết rằng, những phương cách đó chỉ là con đường giải thoát tạm thời. Uống rượu say thì quên nhưng tỉnh sẽ nhớ. Sử dụng ma túy mang đến cảm giác hưng phấn nhưng về lâu dài sẽ gây ra nhiều bệnh tật. Còn tìm đến cái chết cũng chỉ là sự giải thoát trong chốc lát.
Nhìn chung, phần đa những người có những hành động tiêu cực như trên đều là những người cô đơn, không tìm thấy môi trường để chia sẻ. Chính vì vậy, để tránh được những hệ lụy xấu về sau thì khi buồn chúng ta không nên ở một mình. Vì như vậy chúng ta sẽ chỉ biết nghĩ đến nó. Để quên đi nỗi buồn chúng ta cần phải tập trung suy nghĩ vào những chuyện khác. Hãy làm cho mình luôn luôn bận rộn: tham gia một hoạt động tích cực như làm việc mình yêu thích, tham gia các hoạt động từ thiện hoặc đến chùa tụng kinh niệm Phật…
Những hoạt động tích cực có tác dụng giúp chúng ta phân tán được suy nghĩ tránh việc chỉ chăm chăm đến nỗi buồn dẫn đến buồn thêm. Ngoài ra khi tham gia các hoạt động giúp đỡ những số phận bất hạnh hơn mình thì con người sẽ dễ nảy sinh ra tình cảm mới đó là yêu thương là chia sẻ, từ đó nhận ra cuộc sống không chỉ có mỗi mình gặp bất hạnh. Và có khi nhìn lại thì có lẽ sẽ nhận ra nỗi buồn mà mình đang gặp phải có khi chẳng thấm vào đâu so với những nỗi bất hạnh mà nhiều người trong cuộc đời này phải đương đầu.
4. Bình tâm trong mọi hoàn cảnh
Cân bằng tâm lý là điều cần thiết giúp con người vượt qua mọi nỗi buồn trong cuộc sống. Bởi chỉ khi con người bình tĩnh thì mọi việc trước mắt mới trở nên minh sáng và dẫn đến hành động đúng. Nếu thực hiện được điều này con người sẽ luôn giữ được sự minh sáng trong mọi hoàn cảnh. Ngược lại nếu mất cân bằng thì dù vui hay buồn cũng đều bị lố. Vui quá thì thành ra làm trò cười cho thiên hạ. Mà buồn quá thì dễ lâm vào chán nản và bế tắc.
Cân bằng tâm lý là đức tính cần tập luyện. Con người có thể rèn mình bằng cách kiềm chế cảm xúc. Có thể dự đoán trước mọi hoàn cảnh sẽ xảy ra là một cách tốt để rèn luyện đức tính này. Đức phật khuyên chúng ta nên đặt những câu hỏi: Nếu ngày mai tôi bị phá sản thì tôi sẽ làm gì? Nếu ngày mai tôi bị chồng phản bội thì tôi phải làm sao hay nếu ngày mai tôi ốm đau bệnh nặng tôi sẽ phải làm thế nào?…
Ngoài ra, chúng ta có thể tập thiền mỗi ngày từ 10 đến 15 phút, nếu có thể thì lâu hơn để cân bằng tâm lý và có được lợi ích về sức khỏe. Nếu thực hiện ngồi thiền được thường xuyên cộng thêm với ý thức tu tập có chánh niệm, kiên trì thì chắc chắn tương lai chúng ta sẽ gặt hái được sự thanh tịnh trong tâm hồn.
Nguồn Blog Phật Giáo