LỄ HUÝ KỴ QUẬN CÔNG HOÀNG NHÂN DŨNG – NGƯỜI CÓ CÔNG XÂY DỰNG CHÙA KEO VÀ LÀNG KEO THÁI BÌNH

Sáng 1-4 năm Giáp Thìn, nhân dân làng Keo tổ chức lễ huý 372 năm Quận công Hoàng Nhân Dũng – Người có công lao xây dựng chùa Keo và được tôn thờ là Thành Hoàng làng Keo.

Ngay từ sáng sớm rất đông bà con làng Keo và quý khách thập phương cùng lãnh đạo chính quyền các cấp đã tới dự lễ tưởng nhớ tri ân Thành hoàng làng Quận công Hoàng Nhân Dũng.
Tuấn thọ hầu Quận công Hoàng Nhân Dũng quê quán làng Từ Quán, tổng Hộ Xá (nay thuộc Tân Thịnh, Nam Trực, Nam Định) Chức nội thị giám trong vương phủ, dực vận tán trị công thần, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu cùng với chính phu nhân Lại Thị Ngọc Lễ (quê quán làng Quang Lãng, nay thuộc Hà Dương, Hà Trung, Thanh Hoá ).
Trong văn bia khắc năm Nhâm Thân – Đức Long thứ 4 (1632) tại Chùa Keo do tiến sĩ xứ Đông Ngàn – Nguyễn Thực viết: Hoàng Nhân Dũng làm hưng công hội chủ cùng phu nhân Lại Thị Ngọc Lễ mua đến 16 mẫu 8 sào ruộng để tiến cúng lập ruộng Tam bảo, ngoài ra đào hồ lớn, khai sông lộ giới bồi đắp xây nền ngôi Già lam cảnh Phật .
Nhờ uy tín của vợ chồng Quận công đã mời Thủ hoạ Nguyễn Văn Trụ thiết kế vẽ kiểu nên công trình cùng huy động nhiều hiệp thợ giỏi từ các nơi về dựng chùa. Sau nhiều năm chuẩn bị và 28 tháng thi công thì đến tháng 8 năm Nhâm Thân (1632) công trình Thần Quang tự (Chùa Keo) hoàn thành .
Đối với làng Dũng Nhuệ (xưa) nay là làng Keo vợ chồng Quận công có công lớn. Năm Tân Hợi (1611) xảy nạn hồng thuỷ, nước sông Hồng đỉnh lũ rất cao, nhiều nơi vùng Sơn Nam hạ bị vỡ đê cuốn theo bao sinh mạng, làng mạc chìm trong biển nước. Ngôi chùa cổ xây dựng từ thời Lý cũng bị phá huỷ, nhiều gia đình phải ly tán khắp nơi.
Quận công tâu bày cùng Đại nguyên soái thống quốc chính sư phụ Thanh Vương (tức Trịnh Tùng). Nội phủ cung Lê Thị Ngọc Sảnh (tứ tính Trịnh Thị Ngọc Trân). Đông cung vương phi Nguyễn Thị Ngọc Soái (tứ tính Trịnh Thị Ngọc Thọ) ủng hộ xây lại ngôi chùa sau khi bị hồng thuỷ tàn phá. Nhờ công đức ấy cùng với sự đóng tịnh tài của thập phương Ngôi chùa xây dựng lại và chuyển từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Hồng – nay là Thần Quang tự – Chùa Keo Thái Bình .
Sau trận lũ làng năm ấy làng Keo được quy hoạch lại. Phần đất trũng được đào ao vượt thổ, vì vậy đến ngày nay sen kẽ đất ở là những dãy ao hồ liền kề tạo kiến trúc làng quê thượng gia hạ trì. Sông Đông và Tây làng nối liền với sông Chèo (chạy ngang qua của chùa) với sông Hồng tạo đường thuỷ cấp thoát nước phục vụ dẫn thuỷ nhập điền và đây cũng chính là đường đội bơi trải hội chùa bơi ra sông Hồng dịp lễ hội.
Thế nhưng cuộc sống với biết bao biến động khôn lường. Đại Việt sử ký toàn thư – đã từng ghi và các cụ xưa truyền lại, vào ngày mùa xuân năm 1652 (đúng 20 năm hoàn thành xây dựng Chùa Keo) Quận công phò tá Hoàng tử về quê chơi, không may hoàng tử bị đột tử. Nhân cơ hội nay nhiều kẻ vốn ghen với tài năng của Quận công đã tâu với triều đình Quận công làm phản và ghép vào tội xử tử .
Sáng mồng một tháng tư năm Nhâm Thìn – 1652 vùng Sơn Nam nổi trận cuồng phong sấm chớp đùng đùng nổi giận, nịnh thần tâu với triều đình: Nếu giam lâu Hoàng Nhân Dũng e có biến. Sáng hôm sau mồng hai tháng tư, giờ Ngọ triều đình xử Quận công. Trưa hôm đó trời cũng nổi mưa to nơi pháp trường nghiệt ngã .
Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử với mấy đời vua Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông nhân dân làng Keo và nhiều địa phương vẫn tôn thờ Quận công. Sau đó nhờ sự kêu oan của dòng họ Lại vụ án được xem xét lại. Quan pháp y đã làm việc công tâm, không có đầu độc với Hoàng tử mà chỉ vì Hoàng tử cảm mạo mà từ trần. Nỗi oan đã sáng tỏ nhưng sự đau đớn nghệt ngã vẫn còn.
Đời vua Lê Hy Tông – niên Chính Hoà 19 năm 1698 – Chùa Keo được tiếp tục hoàn thiện nốt việc đúc chuông – công việc trước đây vợ chồng Quận công còn dang dở. Bài vị thờ Quận công và phu nhân chính thức được phục thờ cùng những vị tiền liệt có công tôn thờ tại Văn chỉ và Võ chỉ.
Cũng từ đây ngày 1- 4 âm lịch hàng năm, nhân dân làng Keo tập trung vào ao hồ chùa Keo tổ chúc phần hội đánh bắt cá. Khi bắt được con cá to nhất được rước ra đình làng tế lễ Quận công . Tiếp đó sắc phong triều đình ban ghi nhớ công lao của Quận công và Hoàng Nhân Dũng được tôn là thành hoàng của làng.
Ngày nay Chùa Keo vẫn còn đó và sẽ mãi mãi được bảo tồn cho hậu thế. Trục thần đạo của làng vẫn hiện diện minh chứng cho tầm nhìn về kiến trúc phong thuỷ của bậc tiền nhân. Công lao khai khẩn lập làng của Quận công và phu nhân – Một người con gái họ Lại nết na hiền thục được nhân dân làng Keo luôn ghi nhớ. Đình làng và đền Hồng Giao nơi thờ Thành hoàng Hoàng Nhân Dũng và phu nhân Lại Thị Ngọc Lễ đã được tôn tạo phục dựng ngay trên di tích xưa. Quý khách về với quê lúa Thái Bình thăm chùa Keo cũng nên ghé thăm Đình làng Keo, Đền Hồng Giao – Công trình gần ngay chùa Keo để hiểu thêm lịch sử đất và người nơi đây .

 

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn