Tổng thể chùa Keo

16/02/2025

Khu di tích chùa Keo hiện nay được toạ lạc trên thửa đất kí hiệu DDT số 1/40907,9; với diện tích 40907,9 m² và đường giao thông nội tự (đường rước kiệu) có diện tích 654 m² theo bản đồ địa chính xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Khu vực của chùa Keo có tổng diện tích:  41561,9 m².


Chùa Keo mặt quay hướng chính nam. Nếu chúng ta tính tam quan ngoại là kiến trúc điểm đầu và gác chuông phía sau chùa là điểm cuối thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng theo hướng Bắc - Nam; đường thẳng đó được gọi là đường "thần đạo".


“Đến gần chùa Keo, ngay từ trên đê chúng ta đã có thể nhìn thấy những nếp nhà cổ kính thấp thoáng sau những tán lá cây cổ thụ, bồng bềnh ẩn hiện trên nền trời xanh biếc. Và phía sau chóp của công trình kiến trúc to lớn này là gác chuông cao vời vợi như một dấu nối giữa trời và đất, giữa âm và dương".


Theo văn bia và địa bạ chùa Keo thì diện tích toàn khu kiến trúc rộng 28 mẫu (108.000 m²). Bề ngang chạy từ hàng cây gạo phía Đông sang hàng cây gạo phía Tây, dài gần nửa cây số. Chiều sâu tính từ chân đê sát con ngòi thôn Bồng Tiên, xã Vũ Tiến, dài trên 200m; nếu tính phần đất xây dựng 21 công trình (gốm 154 gian), chùa Keo cũng đã có diện tích 58.000 m². Hiện nay (1985), toàn bộ kiến trúc Chùa Keo còn lại 17 công trình, gồm 128 gian".


Về số toà và gian của công trình kiến trúc chùa Keo; số liệu tổng hợp được ghi trên văn bia và các sách của chùa Keo đã xuất bản cũng chưa có sự thống nhất:


Theo văn bia 1632 quy mô các công trình của chùa Keo "cộng thêm cửa Tam quan trong, ngoài, và nhà am, nhà bia tất cả là hai mốt dãy gồm một trăm năm mươi tư gian".


Theo sách Chùa Keo xuất bản 1985, các tác giả viết: " Nói toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời Lê Trung Hưng còn gần như nguyên vẹn đến nay là nói những công trình kiến trúc chính như Tam quan, Gác chuông, chùa Phật, đền Thánh chưa kể mấy công trình phụ như nhà am, nhà bia đã hư hỏng từ thời Pháp thuộc". Đồng thời các tác giả xác định hiện nay (tức năm 1985)" toàn bộ kiến trúc chùa Keo còn lại là 17 công trình và 128 gian". Nhưng khi tác giả mô tả phần Tam quan, chùa phật, đền thánh, gác chuông cũng chỉ thể hiện 10 toà và không xác định số gian cụ thể.

Sách Chùa Keo xuất bản 1995, các tác giả xác định "chùa vốn có tất cả “hai mươi mốt dãy với một trăm năm mươi tư gian", song dựa vào cột mà tính hiện nay. Chùa Keo chỉ còn 102 gian trong đó kể cả gác chuông cũng được tính như một gian. So với văn bia, như vậy còn thiếu 52 gian nữa. Những gian này có thể bị mất mát sau những lần trùng tu", Nhưng khi tác giả lập bảng thống kê cũng chỉ có 11 toà là những công trình kiến trúc chính của chùa Keo với tổng số gian là 102.


Trong thực tế từ năm 1985 đến năm 1995 các công trình kiến trúc chính của chùa Keo vẫn không có sự thay đổi nhưng các tác giả đưa ra sự khác nhau về số toà và số gian là do cách kiểm đếm và xác định số toà, số gian của các công trình phụ trợ mà thôi. (Sách Chùa Keo 1985 xác định 17 toà, 128 gian; Sách Chùa Keo 1995 xác định 11 toà, 102 gian).


Qua nghiên cứu các tài liệu văn bia, các sách đã xuất bản và nghiên cứu thực tế tại di tích chúng tôi xác định: các công trình kiến trúc của chùa Keo còn hiện tồn nguyên vẹn về số tòa và số gian gồm 12 toà, 102 gian là các công trình kiến trúc chính của chùa. Và 4 toà (mới tôn tạo xây dựng) gồm 24 gian là các công trình kiến trúc phụ trợ.


Công trình kiến trúc chính của chùa Keo (12 toà, 102 gian)


1. Tam quan ngoại:     3 gian

2.. Tam quan nội:        3 gian

   Chùa Phật:               3 toà

3. Toà Ông Hộ:            7 gian

4. Toà Ống Muống:      3 gian 

5. Toà tam bảo:            3 gian

   Đền thánh:                4 toà

6. Toà Giá roi:              5 gian

7. Toà Thiêu hương:    5 gian

8. Toà hậu cung:          3 gian

9. Toà thượng điện:     3 gian 

10. Gác chuông:          1 gian (nếu theo cách tính gác của mỗi tầng là một gian thì gác chuông có 4 gian)

11. Hành lang Đông:   33 gian 

12. Hành lang Tây:     33 gian


Như vậy các công trình kiến trúc chùa Keo tổng cộng là 16 toà, 126 gian (nếu tính gác chuông là 4 gian thì có thể gọi là có 16 toà, 129 gian. 


Mặt bằng các công trình kiến trúc Chùa Keo, được kiến trúc cân đối theo một trục dọc - đường Thần đạo:


Sát chân đê sông Hồng phía trước khu di tích là một sân cỏ rộng gần 300m², qua sân cỏ là đến một sân lát đá, rồi đến Tam quan ngoại, phía sau Tam quan ngoại là hồ nước hình chữ nhật, phía sau hồ nước là khu nội tự. Công trình đầu tiên của khu nội tự là Tam quan nội, tiếp đến là sân cỏ thứ hai, tiếp theo là chùa Phật, tiếp đến là một sân nhỏ lát gạch rồi đến toà Giá roi và đền thánh, tiếp đến lại là một sân nhỏ lát gạch, sau sân nhỏ lát gạch là gác chuông. Gác chuông là công trình kiến trúc cuối cùng theo trục Thần đạo. 


Đối xứng hai bên của đường Thần đạo (các công trình kiến trúc theo trục dọc kể trên) là hai dãy hành lang Đông và Tây.


Mỗi dãy hành lang gồm 33 gian; được làm theo kiến trúc mặt bằng hình chữ L; phần đuôi của hai hình chữ L ôm lấy gác chuông, kết hợp với Tam quan nội và hàng dậu phía trước tạo thành một hình chữ nhật khép kín. Do vậy kiến trúc mặt bằng bao quanh toàn bộ các công trình kiến trúc của chùa Keo gồm Tam quan nội, hành lang Đông, Tây và gác chuông tạo thành hình chữ Quốc ( theo chữ Hán); có chiều dài 99, 1m; chiều rộng 40,1m; diện tích 3974m². Còn bên trong chữ Quốc ấy là chùa Phật và đền thánh đều có mặt bằng kiến trúc theo hình chữ Công (I) nên kiến trúc mặt bằng tổng thể khu vực nội tự của chùa Keo được gọi là "nội nhị công ngoại quốc".


Bao quanh phía ngoài khu vực nội tự (chữ Công ấy) là ba hồ nước lớn. Hồ nước phía Nam trước Tam quan nội và sau Tam quan ngoại có hình chữ nhật nằm ngang có chiều dài 111m, chiều rộng 33,5m; diện tích 3668m² . Hồ nước ở phía sau dãy hành lang Đông là hình chữ nhật nằm theo chiều dọc có chiều dài 115m, rộng 32,3m, diện tích 3714m². Hồ nước ở phía sau dãy hành lang Tây là hình chữ nhật nằm theo chiều dọc có chiều dài 115m, chiều rộng 33,86m, có diện tích 3894m².


Kiến trúc chùa Keo là một dạng kiến trúc phức hợp gồm nhiều công trình, các công trình kiến trúc được soi bóng xuống 3 hồ nước lớn, đó là kiến trúc "thượng gia hạ trì" đã tôn thêm cảnh đẹp, tạo vẻ tươi mát, thơ mộng cho danh thắng chùa Keo.


Ngoài các công trình kiến trúc chính kể trên, phía sau gác chuông còn có các công trình phụ trợ như: nhà tăng, nhà khách, mộ tháp.


Phía ngoài khu vực chùa có các công trình phụ trợ như: Nhà làm việc của Ban quản lý di tích, khu bãi xe, khu vệ sinh.


Trong hồ sơ di tích này chúng tôi khảo tả các công trình kiến trúc chính theo đường Thần đạo từ ngoài vào trong là: Tam quan ngoại, Tam quan nội, chùa Phật, toà Giá roi và đền thánh, gác chuông, cùng hai dãy hành lang Đông, Tây và khảo tả sơ lược các công trình phụ trợ.