Quan niệm về tình bạn trong Phật giáo

Đối với thanh thiếu niên, rất có thể tình bằng hữu là một chủ đề phức tạp và không dễ dàng thấu hiểu. Có lúc chúng ta cảm thấy thật khó mà biết được ai là người có thiện tâm với ta, và ai không có. Bài viết này ra đời nhằm mục đích làm sáng tỏ đề tài tình bạn dựa trên quan điểm Phật giáo, với hy vọng chỉ dẫn thêm cho các bạn trẻ đang tu hành.

Tha nhân có thể là bằng hữu hay kẻ thù của ta, hoặc thậm chí trung lập – không bạn không thù. Tuy nhiên, điều này không thường hằng mà sẽ biến đổi vô thường. Nói chung, bạn bè là những người chân tình với ta, có hảo tâm với ta, và luôn sẵn sàng che chở, bảo vệ ta. Ngược lại, địch nhân là kẻ không đối đãi chân tình với ta; họ luôn mong muốn hãm hại ta và ước ao chứng kiến ta chết, đau khổ, mất mát, hay bất hạnh. Những dạng người trung lập (tức sơ giao) không có hảo tâm mà cũng không nuôi ý định bức hại ta.

Đức Thế Tôn đã truyền giảng những nét chính giúp phân biệt bạn và thù rất sâu sắc trong kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt. Theo lời Phật khuyên, chúng ta xem bất kỳ ai có hành vi làm tổn hại mình và xã hội là địch nhân. Trái lại, ai không gây hại đến ta và xã hội, đồng thời khiến ta hạnh phúc, tráng kiện đều là bằng hữu. Còn những kẻ không làm gì cả thì xem như trung lập.

Đôi khi ranh giới giữa bạn và thù trở nên mong manh. Bằng hữu có thể hành xử như kẻ địch, và kẻ địch cũng có thể hành xử như bằng hữu. Nhận định này nhất quán với định luật Vô thường. Theo đó, vạn vật trên thế gian, kể cả các mối quan hệ, luôn thay đổi không ngớt. Vì lẽ ấy, dù cho giao du với người nào thì chúng ta cũng nên lấy trí tuệ làm kim chỉ nam. Điều tối quan trọng là không để tha nhân lợi dụng, bóc lột, lăng mạ, gài bẫy, làm mê muội, hay làm bất cứ chuyện gì phương hại đến ta trong các quan hệ giao tiếp, bất chấp họ là bạn bè, kẻ thù, hay trung lập theo như ta phân định.

Có những phương cách sáng suốt và khéo léo giúp chúng ta đề phòng tha nhân hãm hại. Những kế sách này đúng với giáo pháp của đức Phật vì chúng không gây hại cho bản thân ta hay người khác. Bằng cách này, dù cho tha nhân thay đổi cỡ nào thì ta vẫn luôn được bảo vệ

.

Đức Phật răn dạy chúng ta nên tránh giao hảo với si nhân. ‘Si nhân’ ở đây ám chỉ những kẻ không có đủ trí tuệ đồng thời sống u mê – về cơ bản là người sống một cuộc đời ti tiện trái với luân thường đạo lý và các chuẩn mực phép tắc, hoặc thích dẫn dụ người khác xa rời Chánh đạo. Nếu có liên hệ với hạng người này thì chắc chắn ta sẽ chịu nguy cơ tụt hậu ngang bằng trình độ của họ do giao thiệp và do bị họ ảnh hưởng xấu. Thậm chí, có thể ta còn bỏ lỡ cơ hội đạt được bình an vĩnh hằng ở cõi Niết bàn.

Đức Thế Tôn nói rằng, giả sử chúng ta không có khả năng tìm được một hảo bằng hữu có trí tuệ để kết giao, hoặc ai đó cùng ‘trình độ’ tu tập như mình hay cao hơn, thì ta sẽ sống một kiếp người cô tịch – có nghĩa là, sinh hoạt trong cô đơn. Lời khuyên nhủ này hoàn toàn đối nghịch với nhân sinh quan và tư duy tập quán của xã hội phương Tây. Tại đó, lối sống cô độc hay bị khinh thường. Vấn đề cần thiết chính là không để những lối suy nghĩ như vậy ảnh hưởng, thay vào đó, lúc nào cũng nên viện vào lời của đấng Từ bi để được dìu dắt đúng đường.

Con người cần tình bạn vì tình bạn mang lại nhiều lợi ích. Chúng ta nương tựa vào bạn tốt những lúc cấp thiết; họ là người cố vấn tận tình và cũng là người đồng hành thủy chung. Nói đến đây, ta thấm thía lý do vì sao người người tìm kiếm tình bằng hữu thâm sâu. Dựa trên quan điểm Phật giáo, chúng sanh tìm kiếm tình bạn để được ‘hạnh phúc hơn.’ Vậy, loại ‘hạnh phúc’ này được nhà Phật định nghĩa như thế nào? Đó là khoái lạc.

Nói đến bằng hữu là nói đến vui mắt khi được ngắm nhìn họ, vui tai khi được nghe họ chuyện trò, nồng ấm cơ thể khi cùng họ ôm ấp, và thích thú tâm hồn khi họ khơi gợi những ý niệm đáng mến (như hồi ức tốt đẹp). Đến lúc loại ‘hạnh phúc’ này (khoái lạc) biến mất, chúng ta sẽ cảm thấy ‘u sầu’ (không thỏa lòng). Trong trường hợp này, người khác sẽ cho rằng ta ‘cô đơn.’ Các bậc Giác ngộ và các hành giả có tiến bộ trên con đường tu tập không cần phải truy cầu tình bạn bởi lẽ họ vốn không khao khát bất cứ dục vọng nào.

Thông thường chúng ta phân loại những ai chuyên mang đến khoái lạc (tức là tạo ra quyến luyến, gắn bó) là ‘bằng hữu’, và những ai chuyên mang đến bất mãn (tức là tạo ra ác ý) là địch nhân. Chọn bạn bè là chuyện cá nhân dựa trên nền tảng yêu/ghét, chuẩn mực, quan niệm, cách nhìn, và đức tin riêng tư, v.v… Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như những kẻ có nét tương đồng lôi cuốn nhau, và những kẻ dị biệt về bản tính cự tuyệt nhau. Vài người trở thành kẻ thù của ta vì họ mang khuyết điểm riêng, chẳng hạn như nỗi sợ, cảm giác không an toàn, dục vục, ganh đua, ác tâm, hay thậm chí là bản chất ngu si mê muội, chứ không phải do ta đã làm gì đụng chạm đến họ. Đặc biệt là ở các tình huống này, ta không hề ‘xúc phạm’ họ. Chúng ta cần phải dùng trí tuệ để quán chiếu vấn đề này ngõ hầu lý giải tại sao họ lại hành động như thế.

Ai cũng có bạn bè, kẻ địch, và người sơ giao trung lập. Hầu hết mọi người nhận định rằng bằng hữu có hảo tâm với ta, địch nhân muốn phương hại ta, còn những người trung lập không hại mà cũng không làm ta hạnh phúc. Định giới giữa bạn và thù đôi khi rất mơ hồ, do đó, điều chính yếu là phải luôn dùng trí tuệ để vận dụng các biện pháp tinh tế ngăn ngừa người khác gây hại đến bản thân, dù đó là bạn, thù, hay kẻ sơ giao của ta. Trong kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt, đức Phật giảng giải rất tỉ mỉ cách thức xác quyết đâu là bạn và đâu là thù. Không phải lúc nào ngoại hình hay lối cư xử bề ngoài cũng giúp ta phán xét đúng đắn. Đức Thế Tôn khuyên chúng ta nên tránh giao hảo với si nhân và chỉ quan hệ với những người có cùng trình độ hoặc cao cấp hơn ta trên bước đường tu tập. Giả như không tìm được một bạn đồng hành như vậy, tốt hơn hết chúng ta nên chấp nhận sống cô đơn, bất chấp những thúc bách văn hóa xã hội. Chúng sanh truy cầu tình bằng hữu và tình bạn đồng hành vì nhiều lý do, trong đó bao gồm ước muốn chuyển hóa khoái lạc mà người ta thường hay gọi là ‘hạnh phúc’. Tha nhân có thể trở thành kẻ thù bởi vì họ có nhiều khiếm khuyết riêng tư, chứ không can hệ gì đến cách chúng ta đối xử với họ.

Thành tâm cầu mong quý độc giả sẽ tìm được bạn bè tốt để hỗ trợ lẫn nhau trên con đường tu học; còn nếu không tìm ra, xin chúc quý vị có được sức mạnh tu tập Chánh đạo trong cô tịch và tĩnh tâm ngõ hầu chứng đắc bình an vĩnh hằng ở cõi Niết bàn!

Dịch từ tiếng Anh: “A Buddhist Approach to Friendship “ của Dharma Group. Theo daophatmgaynay.com

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn