Tam quan nội và Tam quan ngoại

16/02/2025

1. Tam quan ngoại


Ở Chùa Keo có hai tam quan, có một tam quan phía ngoài của hồ nước chữ nhật, và có một tam quan ở phía trong hồ nước chữ nhật (thuộc khu nội tự) do vậy tam quan phía ngoài được gọi là Tam quan ngoại, tam quan phía trong được gọi là Tam quan nội.


Tam quan ngoại là công trình kiến trúc đầu tiên theo trục Thần đạo của chùa Keo. Từ đê sông Hồng có hai con đường đi xuống ngay dưới chân đê là sân phía trước chùa. Sân này có bãi cỏ lớn và có nhiều cây cổ thụ, như là một vườn cây xanh; khu vực giữa của sân là công trình kiến trúc Tam quan ngoại.


Phía trước cửa Tam quan ngoại là một sân lát bằng đá (có chiều dài 11,10m x 10,10m ), phía sau sân có 4 trụ biểu, hai trụ giữa cao 3,8m, hai trụ bên cao 2,7m; trên đắp búp sen, quả găng, lồng đèn, thân soi gờ bốn mặt ; dưới đất tảng vuông, trông dáng đường bệ.


Tam quan được xây theo kiểu tàu đao lá mái (hay còn gọi là mái cong đao guột hoặc chéo đao tàu góc - theo cách gọi của dân gian Thái Bình), con giống đầu đao soi ba gờ chỉ uốn thành mây cuộn, mái lợp ngói mũi hài.


Bước lên tam quan có bậc tam cấp bằng đá cao so với mặt sân là 0,45m.


Tam quan có chiều dài 13,1m, rộng 7,66m, chiều cao 6,25m. Tam quan có 3 gian chính, mỗi gian rộng 2,8m và có 2 chái, mỗi chái rộng 1,4m.

Khung kiến trúc tam quan gồm 4 bộ vì kèo, mỗi bộ vì 4 chân hàng cột. Cột cái cao 3,8m; chu vi 1,3m; đường kính 42cm. Cột quân cao 2,6m; chu vi 1,15m; đường kính 37cm. Các cột được đặt trên chân tảng đá cao 10 cm, có chiều cạnh 68 x 68 cm. Liên kết giữa các bộ vì bằng xà dọc thượng và xà dọc hạ.


Các bộ vì kèo nóc theo kiểu thượng giá chiêng, các bộ vì kèo nách theo kiểu chồng rường bẩy hiên (bẩy hiên vuông với cột quân); đầu né bẩy chạm khắc lá hóa rồng, hoa văn lá lật.

Bốn mặt tam quan không xây tường để thoáng mát bốn phía.


2. Tam quan nội


Tam quan nội ở phía sau hồ nước là công trình kiến trúc thứ hai của đường Thần đạo nhưng là công trình đầu tiên của khu nội tự.


Từ Tam quan ngoại mở ra hai lối đi tới Tam quan nội. Hai lối đi này vòng theo hai cạnh hồ theo con đường được lát đá tảng, đường rộng 2,1m, dài 116m sẽ vào Tam quan nội. Gọi là Tam quan nội nhưng ở đây không chỉ là một công trình đơn lẻ. Theo đường Thần đạo thì Tam quan nội nằm ở giữa, bên cạnh hai phía có tường dậu hoa (dậu có chiều cao 1,1m). Hai phía hai bên của tường dậu hoa là cổng tả, cổng hữu và cũng là lối đi vào khu vực nội tự của chùa. Như vậy Tam quan nội cùng với tường hoa và hai cổng tả, hữu trở thành một tam quan hoàn chỉnh mà Tam quan nội lại là cửa giữa (trung quan trong kết cấu tam quan chùa).


Kiến trúc của Tam quan nội là một toà theo kiểu tàu đao lá mái (mái cong đao guột), dài 11,6m; rộng 5,4m; cao 4,5m. Tam quan gồm 3 gian, gian giữa rộng 3,4m, hai gian bên rộng 3,2m. Mái lợp ngói mũi hài; con giống đầu đao đắp rồng chầu phượng múa.


Bộ khung kiến trúc gồm 4 bộ vì kèo, mỗi bộ vì có 3 chân hàng cột, cột cái cao 4,5m; chu vi 1,34m; đường kính 43cm. Cột quân cao 2,8m, chu vi 1m; đường kính 32cm. Các cột cái được kê trên các chân tảng bằng đá cao 15cm, có chiều cạnh 61 x 61cm. Các cột quân được kê trên các chân tảng đá cao 15cm; có chiều cạnh 45 x 45cm.


Hai bộ vì kèo gian giữa làm theo kiểu chồng rường bẩy hiên. Hai bộ vì kèo hồi làm theo kiểu kẻ chuyển bẩy hiên. Liên kết các bộ vì bằng xà dọc thượng, xà dọc hạ. Giữa khoảng cách của hệ thống xà thượng, xà hạ của hệ thống cột cái là những mảng cốn được chạm khắc.


Kiến trúc của Tam quan nội khá đặc biệt, do bộ vì kèo có 3 chân hàng cột, hai hàng cột quân cũng là cột hiên trước, cột hiên sau. Hàng cột cái giữa lại chính là hệ thống ngưỡng cửa, cánh cửa cùng với trụ nóc. Nhà không có lòng nên nhìn trước sau đều là hiên. Phía hai hồi không xây mà được bưng bằng một hệ thống ván gỗ có chạm khắc.


Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo, có những mảng chạm khắc nghệ thuật rất tinh xảo.


Mười sáu thanh giường đế đấu chạm hoa sen, lá cuộn vân mây quyện thành đầu con sấu, có đủ trán, mũi, cằm, miệng. Độ cong thân giuờng chạm lá lật cuộn thành sống lưng con giống. Các đám mây lửa quanh quang tạo thành mây ám.  Bốn hệ thống giường thành tám bầy linh thú chầu cửa tam quan.


Các xà thượng, xà trung bào xoi lòng diếc. Hai bên chạm mây, giữa chạm hoa sen cách điệu. Các chấn phong trên xà thượng, xà trung soi chạm rất công phu, có đủ các đề tài: hoa dây cuốn thành sông nước cuồn cuộn, tung bọt, cuốn tròn như đập vào vách đá. Rồng chầu mặt nguyệt từng đàn, con bay, con lượn cuốn quanh nhau. Dáng rồng sống động như đang vẫy vùng bơi lội.


Đặc biệt bộ cánh cửa phần trung quan; cửa gồm 2 cánh, có chiều cao 2,25m, chiều ngang 2,47m (mỗi cánh ngang 1,235m). Khi đóng 2 cánh cửa lại, bộ cánh cửa trở thành một bức phù điêu hoàn chỉnh. Chính giữa chạm mặt nguyệt, có bốn con rồng chầu vào, rồng mẹ đầu tóc dữ dội, thân uốn nhiều lần, rồng con nép sau bóng mẹ, dáng vẻ thảnh thơi. Góc dưới hai cánh một đôi nghê nghển đầu quỳ gối hướng về mặt nguyệt. Toàn bộ môi, râu, bờm rồng đường nét như bốc lửa. Mây ám thân rồng, chỗ bốc lên thành mây lửa, chỗ chúc xuống thành rừng dáo mác. Thân rồng như chìm trong biển lửa cháy rực.


Bức chạm khắc được thể hiện với kỹ thuật chạm chìm, nổi, bong kênh. Độ đục chạm không sâu quá 3 cm, nhưng đã thể hiện rất chuẩn xác luật xa gần, tối sáng của nghệ thuật chạm trổ truyền thống. Thân rồng thoắt ẩn, thoắt hiện. Bầy rồng con xa, con gần quyện lấy nhau làm thành một bố cục chặt chẽ. Đường chạm sắc sảo, nét khắc tinh vi, khiến cho những linh vật vốn không có thực mà vẫn gợi vẻ hiện thực sinh động. Những nét chạm trổ trên đôi cánh cửa này phải chăng đã có một nội dung phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam, những năm chiến tranh Trịnh Mạc khói lửa ngút trời. Vì vậy nếu đôi cánh cửa chùa Phổ Linh (Nam Định) có giá trị tiêu biểu cho những cánh cửa chạm rồng thời Trần còn lại thì cũng có thể nói đôi cánh cửa phần trung quan của Tam quan nội ở chùa Keo (Thái Bình) là một trong những bộ cánh cửa thời Lê còn lại mang tính nghệ thuật cao của điêu khắc Việt Nam hồi thế kỷ XVII (Nhưng hiện nay đôi cánh của này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đôi cánh cửa hiện tại ở Chùa Keo là bản sao phục chế).