Khi hai người yêu nhau, thì họ là người yêu; khi phản bội nhau, họ là kẻ thù; khi xem nhau như người dưng, thì họ là người xa lạ. Quan điểm này có thực sự đúng? Mời quý vị cùng đọc câu chuyện dưới đây để suy ngẫm.
Đệ tử: Người tình là gì, thưa thầy?
Sư phụ: Người tình là người yêu, là kẻ thù, là người xa lạ.
Đệ tử: Tại sao thầy lại nói vậy?
Sư phụ: Khi hai người yêu nhau, thì họ là người yêu; khi phản bội nhau, họ là kẻ thù; khi xem nhau như người dưng, thì họ là người xa lạ.
Đệ tử: Tại sao mọi chuyện lại thành sự tình mà sư phụ nói?
Sư phụ: Tình được sinh ta từ sự ham muốn yêu đương, có ham muốn thì nảy sinh chấp trước, bởi vì chấp trước mà muốn chiếm hữu, từ đó không tự mình nhận ra tham vọng muốn khống chế đối phương. Khi mọi sự không như ý, lòng dạ trở thành đa nghi, ghen tuông, tức giận, vì thế nên mâu thuẫn, cãi vã, mất niềm tin, khiến cho nhau tổn thương, lỗ mãng với nhau, thậm chí còn hủy hoại đối phương.
Đệ tử: Sao họ lại không trân quý nhau? Nếu không thể ở bên nhau, thì sao lại không chúc phúc cho nhau đường ai nấy đi?
Sư phụ: Người vô lý rất nhiều, người hiểu lý lẽ lại ít ỏi vô cùng. Người ích kỷ nhiều, người vô tư lại càng ít. Người ngang ngược nhiều, người biết cảm thông chỉ là thiểu số. Người đề cao cái tôi của mình cũng nhiều, còn đứng vào vị trí người khác để xem xét vấn đề lại chẳng có mấy ai. Ngươi thử nghĩ mà xem, người có thể thấu hiểu cho người khác phải là người hiểu được lý lẽ, từ đó mới có thể khoan dung và nghĩ đến quyền lợi của người khác.
Đệ tử: Phải chăng vì lẽ đó mà sư phụ xuất gia?
Sư phụ: Khi một người bắt đầu hành trình phiền não vì tình, họ đâu hiểu rằng sẽ trải qua những thăng trầm. Lúc mới bắt đầu thì mọi thứ là mùa xuân, hết thảy đều mỹ hảo; rồi sau đó là hạ đến, mâu thuẫn không ngừng xuất hiện; và khi thu về, mọi thứ dần trở nên lãnh đạm; cuối cùng là mùa đông, thời điểm tình cảm đã hoàn toàn không còn nữa. Ấy thế nhưng tình này vẫn triền miên kiếp người, họ lại đi tìm một người tiếp theo để giẫm lên vết xe đổ. Bởi vì đông qua xuân lại đến, cứ như thế tuần hoàn. Đây chính là dòng sông chứa dục vọng yêu đương của chúng sinh, là nguyên nhân chủ yếu của luân hồi.
Đệ tử: Vậy sư phụ sẽ không khuyến khích mọi người yêu nhau phải không?
Sư phụ: Ta không thể nói “tốt”, cũng không thể nói không tốt, làm thế nào mới là “tốt nhất”, chính là do tự mình quyết định!
Đệ tử: Nếu như không yêu nhau, thì sẽ không có kết hôn; không kết hôn, thì sẽ không có con cái; không con không cái, thì sẽ không có nhân loại; không có nhân loại, chẳng phải thế giới sẽ hoang phế sao, thưa sư phụ
Sư phụ: Ngươi không cần phải bận tâm, khi họ gặp được người mình yêu mến, thì sẽ tự nhiên nghĩ đến chuyện kết hôn. Có người hỏi ta, nếu ai ai cũng xuất gia, thì kinh tế của đất nước sẽ ra sao? Nhân loại sẽ tiếp tục như thế nào? Ta trả lời họ rằng: “Giả thiết của thí chủ hoàn toàn không có cơ sở, chẳng qua chỉ là bản thân thí chủ cơ bản không muốn xuất gia, vì chẳng muốn nên cho nó là vô cớ, cũng là cho rằng chăm sóc chính mình là quan trọng hơn cả.
Đệ tử: Vậy, người tình là gì?
Sư phụ: Là Bồ tát, là chư Phật.
Đệ tử: Sao lại thế, thưa thầy?
Sư phụ: Bởi vì “Không trải qua trận lạnh thấu xương, thì không có mùi thơm sực nức của hoa mai”. Người đó đã khảo nghiệm và rèn luyện ngươi, khiến ngươi có thể ở trong hoàn cảnh khó khăn mà vượt qua, có thể thức tỉnh khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, từ đó đạt được hết thảy các cảnh giới, đều có thể không lấy không bỏ, an nhiên tự tại.
Đệ tử: Vậy thì rốt cuộc, người tình là gì?
Sư phụ: Là người chăm sóc ngươi, và cũng là người hành hạ ngươi.
Người tình – theo quan niệm của mỗi người lại khác nhau, nhưng trong Phật giáo, chính là người không nợ không đến.
Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.
Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục.
Tình yêu chân thật bây giờ cũng không chốn dung thân. Người trẻ đến với tình yêu chỉ vì nhu yếu, cần được yêu và cần có người để yêu, để thỏa mãn bản năng, để cho có chỗ dựa tinh thần, để trang trí cho cái tôi, để khỏa lấp nỗi cô đơn trống trải, để làm cho giống hay đối phó với những người xung quanh. Họ dần quên đi ý nghĩa cao đẹp của tình yêu, đó là sự hiến tặng và chia sớt, là sự nâng đỡ và bao dung. Yêu nhau, họ chỉ mang đến cho nhau những cảm giác thỏa mãn trong nhất thời nhưng lại gieo rắc nỗi khổ niềm đau cho nhau triền miên khôn xiết.
Đúng ra, yêu cũng phải học. Vì nếu chỉ có bản năng ham thích và cuồng nhiệt thôi, chỉ có sự đòi hỏi và vắt kiệt năng lực nhau thôi, thì sớm muộn gì tình yêu ấy cũng sẽ lụn bại. Chán chường rồi từ bỏ. Từ bỏ không được thì làm khổ nhau. Nhiều người trẻ lớn lên chỉ biết có học hành, chỉ biết kiếm tiền, chỉ biết làm đẹp bề ngoài, chỉ biết gây sự chú ý cho người khác, chứ họ không có khả năng lắng nghe, cảm thông hay nhường nhịn ai cả. Họ không nghĩ rằng muốn thương yêu ai đó thì phải buông bỏ bớt cái tôi ích kỷ của mình. Mà dù có biết cũng không làm được, vì họ đâu có chịu rèn luyện kỹ năng và hàm dưỡng tâm hồn. Họ không có hơi sức để làm những chuyện đó.
Tình yêu mà được xây dựng trên nền tảng của sự vị kỷ, của sự lợi dụng, của sự thỏa mãn nhục dục, thì tình yêu ấy không có sức sống, không có thật. Đó chỉ là sự trá hình. Vì khi yêu thương thật lòng một ai đó thì ta sẽ không bao giờ để cho họ khổ, chứ nói gì muốn làm cho họ khổ.
Trong tình yêu lớn và cao quý, bất cứ lời nói và cử chỉ nào cũng phải biểu lộ sự tương kính. Người con trai phải tôn trọng người con gái mình yêu, cả thân thể lẫn tâm hồn. Người con gái biết giữ gìn, cũng là biết làm người yêu thêm tương kính, nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau.
Nguồn: Sưu tầm