Tôi đọc – “Đường xưa mây trắng”

Tôi đã đọc cuốn Đường Xưa Mây Trắng (ĐXMT) ba lần.  Lần đầu tôi đọc phớt như đọc truyện.  Lần thứ 2, tôi đọc chậm hơn và để ý tới cách bố cục, xếp đặt chương mục, mạch lạc trong các tư tưởng, và lần thứ ba, vừa đọc vừa nghiền ngẫm, suy nghĩ về nội dung và cố ý tìm hiểu ý giữa các hàng chữ.

Từ mấy năm nay tôi đã có ý định viết một bài về cuốn này, nhưng mỗi khi cầm tới bút hoặc ngồi trước màn huỳnh quang của máy điện toán, tôi lại thấy ngần ngại: Tôi có thể viết gì về cuốn sách này? Làm sao tôi có thể trình bày những cảm nghĩ trung thực của tôi? Nhưng sau cùng bài này cũng đã thành hình, có thể do nghiệp viết của tôi đưa đẩy, cũng có thể do một duyên nào đó, nhưng phần chính là vì tôi nghĩ rằng: tôi không nên tham lam giữ làm của riêng những cái hay, cái đẹp của Phật Giáo nói riêng, của nhân loại nói chung, mà có bổn phận chia sẻ, truyền bá chúng cho những người khác.

Với chủ ý trên, tôi chân thành giới thiệu cùng qúy bạn đạo cuốn ĐXMT của thầy Nhất Hạnh, với cuốn sách này, tôi có thể đưa ra không chút dè dặt một nhận xét tổng hợp ngắn: đây là một “tuyệt phẩm” mà mọi Phật tử, Tăng cũng như tục, đều nên đọc, vì cốt tủy của Phật Giáo được gói trọn trong đó, vì những cái hay cái đẹp nhất của Phật Giáo cũng ở trong đó, và nhất là chính chúng ta cũng có mặt trong đó.

Cuốn ĐXMT gồm 3 tập, 80 chương, hơn 1000 trang giấy. Với lối hành văn nhẹ nhàng, trong sáng, giản dị nhưng rất sống động và gợi cảm, tác giả đã đưa chúng ta về một bối cảnh lịch sử xa xưa, cách đây hơn 2500 năm, khi Bụt (Thầy Nhất Hạnh ưa dùng danh từ Bụt, nghĩa là người tỉnh thức (Buddha), thay vì dùng danh từ quen thuộc là Phật) còn tại thế, và dẫn chúng ta đi theo vết chân Bụt, từ ngày Đản sanh tới khi nhập Niết Bàn.  Nhưng đây không phải là một cuốn tiểu sử Đức Phật như những cuốn tiểu sử khác, kể lại cuộc đời đức Phật theo thứ tự thời gian một cách tẻ nhạt, tuần tự nhị tiến.  Tác giả đã dùng một cách bố cục đặc biệt, trình bày trước những việc xảy ra sau, rồi dùng kỹ thuật hồi chớp (flashback) để xen vào những việc xảy ra trước mà vẫn không mất tính chất liên tục và mạch lạc tư tưởng. Cách xếp đặt này có thể nói là làm cho độc giả không nhàm chán, mà trái lại, lại cảm thấy hấp dẫn, say mê và phải chú tâm nhiều hơn.  Nhưng điểm đặc biệt hơn cả là tác giả đã dùng tiểu sử đức Phật để trình bày trọn vẹn giáo lý căn bản của Người, hay nói đúng hơn, phần giáo lý mà tác giả đã thuyết giảng truyền bá trong nhiều năm.

 Trang mục lục trong tác phẩm “Đường xưa mây trắng”

Trình bày giáo lý của đức Phật thì đã có rất nhiều người, xuất gia cũng như tại gia, làm rồi.  Nhưng trình bày Phật Pháp, ngay cả những vấn đề khúc mắc nhất trong đó, một cách trong sáng giản dị, dễ hiểu, thoải mái, tự nhiên như trong ĐXMT thì phải nói là, theo như tôi biết, chưa có ai, kể cả những học giả, đạo sư, cư sĩ nổi tiếng như Thomas Cleary, Edward Conze, Christmas Humphreys, Alan Watts, Louis de la Valée Poussin, Theodore Stcherbatsky, D.T.Suzuki, Lu K’uan Yu, Philip Kapleau… làm được như thầy Nhất Hạnh.  Điều này cũng dễ hiểu, vì cách diễn đạt tư tưởng của một người đã hội nhập những Kinh điển Phật Giáo hiển nhiên phải khác những người hiểu Phật Giáo qua những khảo cứu thuần trí thức, hoặc qua vài ba kinh nghiệm bản thân. Phải là một người đã thể nhập giáo Pháp cộng với một bộ óc phong phú của một nghệ sĩ mới có thể suy diễn nghệ thuật chăn trâu (chương 2) cùng hình ảnh một khúc gỗ đang vật vờ trôi trên sông (chương 63) thành những tiêu chuẩn tu học cho người xuất gia; và đây chính là điểm làm tôi ngưỡng mộ và cảm phục tác giả dù cho tới ngày nay, tuy mong muốn, tôi vẫn chưa có cơ duyên gặp Người để học hỏi.

Trang bìa sau của cuốn sách “Đường xưa mây trắng”

Đọc  ĐXMT không những chúng ta biết được tường tận cuộc đời đức Phật, những giáo lý căn bản của Người, mà còn biết được tình trạng xã hội Ấn Độ khi Phật còn tại thế. Nếp sống của đức Phật và các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Người hồi bấy giờ đã được mô tả thật là đẹp, quá đẹp, làm người đọc không khỏi bâng khuâng nuối tiếc khi nhìn vào hiện tình Phật Giáo nói chung, Phật Giáo Việt Nam nói riêng. Phải chăng không có gì thoát khỏi định luật vô thường? Nhưng nếu chính định luật vô thường cũng vô thường thì hiển nhiên chúng ta phải hi vọng và tin tưởng vào sự hưng khởi của Phật Giáo. Có thể sau một chu kỳ biến đổi, Phật Giáo sẽ lại trở về với giá trị tinh thần như thời Phật còn tại thế, tuy bề ngoài vật chất có nhiều thay đổi.

Có thể nói mỗi chương trong ĐXMT là một bài thuyết Pháp dưới dạng một câu chuyện nhỏ, một ký ức, một cảnh sinh hoạt… Những bài thuyết Pháp này trình bày khá đầy đủ những giáo lý căn bản Phật giáo, và dư đủ những chủ đề tu tập cho cả hai giới xuất gia và tại gia.  Chúng ta sẽ thấy trong ĐXMT có đầy đủ những giáo lý căn bản quen thuộc như Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Vô Lượng Tâm, Bát Chánh Đạo, Vô Ngã, Vô Thường, Tính Không của Vạn Pháp, Nguyên Lý Tương Duyên, Tương Tức… cùng các phương pháp tu tập khác không kém phần quan trọng. Nếu chúng ta đã từng quen thuộc với những tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh thì chúng ta có thể thấy trong ĐXMT Thầy Nhất Hạnh đã gói ghém, xếp đặt khéo léo phần lớn Kinh sách đã xuất bản của Thầy, và đặt trọng tâm trên 2 chủ đề: Chánh Niệm và Tỉnh Thức, vì theo tác giả thì “Chánh Niệm là con đường duy nhất để thực hiện giải thoát và giác ngộ” và bí quyết của Chánh Niệm là “sống  tỉnh thức từng giây từng phút” (Chương 18, trang 188-189).

Từ bao giờ tôi vẫn cho rằng sách viết về đức Phật và Phật Pháp không phải để đọc chơi cho biết, vì cái biết để mà biết này, quả thực vô dụng nếu chúng ta không cố tâm học hỏi, tu tập để mang cái biết ra chứng nghiệm vào chính bản thân. Tùy theo khả năng mỗi người, chỉ cần có tâm học hỏi, chúng ta có thể học được rất nhiều khi đọc ĐXMT. Văn tự thế gian quả là hạn hẹp, thiếu sót. Tôi chỉ có vài lời ngắn ngủi để giới thiệu cùng bạn đọc một cuốn sách mà tôi cho rằng mọi Phật tử đều nên đọc, phải đọc. Đọc để mở mang kiến thức về Phật giáo cùng để hội nhập một lý tưởng cao đẹp nhất của nhân loại. Tôi không có cách nào dùng văn tự để truyền những cảm nghĩ của tôi cho người khác. Tôi cũng không trích dẫn những đoạn hay, có rất nhiều đoạn hay, trong ĐXMT vì tôi muốn để quí bạn tự mình đi vào thế giới của một tuyệt phẩm.  Tuy nhiên, theo tôi thì có thể bạn sẽ thấy ĐXMT hay hơn nếu bạn đã ít nhiều quen thuộc với những tác phẩm đã xuất bản của Thầy Nhất Hạnh.  Một số tác phẩm của Thầy đã được dịch ra tiếng Anh, nên đối với những bạn trẻ có đôi chút khó khăn khi đọc tiếng Việt hoặc cảm thấy tiếng Anh “sáng sủa” hơn, tôi đề nghị hãy đọc những cuốn sau đây trước khi đọc ĐXMT:

– Trái Tim Mặt Trời.  – The Sun My Heart

– Từng Bước Nở Hoa Sen, Thi Kệ Nhật Dụng.  Present Moment  Wonderful Moment.

– Kinh Quán Niệm Hơi Thở. – Breath! You are Alive.

– Kinh Người Biết Sống Một Mình (Bản Làng Cây Phong xuất   bản) – Our Appointment With  Life.

– Thiền Hành Yếu Chỉ.  – Walking Meditation.

Các bản tiếng Anh trên, cùng nhiều cuốn khác, và bản dịch cuốn ĐXMT – Old Path White Clouds – đều có bán ở các tiệm sách lớn như Borders và Barnes & Noble.

Nguồn: Sưu tầm

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn