Khai mạc Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII

Ngày 21/11, hơn 1.250 đại biểu tăng ni, cư sĩ, Phật tử ưu tú đại diện cho các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các ban, viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài đã tham dự Đại hội nhiệm kỳ 2017 – 2022 tại Hà Nội.

Tới dự phiên khai mạc Đại hội có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố Hà Nội; đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các Đoàn đại biểu Phật giáo nước ngoài cùng đông đảo đồng bào phật tử trong và ngoài nước.

Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã tặng hoa, chúc mừng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

Toàn cảnh Đại hội

Trong diễn văn khai mạc Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhấn mạnh, trải qua 36 năm trưởng thành và phát triển, GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như thành lập Ban Trị sự GHPGVN tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nâng cao hiệu quả hoạt động phật sự, phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác phật sự của các Ban, Viện Trung ương, nhất là các Ban mới thành lập trong nhiệm kỳ VII.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho biết trong nhiệm kỳ qua, GHPGVN tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp và hội thảo khoa học như: Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân; Hội thảo khoa học: Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963 – 2013); Đại lễ Tưởng niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, khánh thành, an vị Thánh tượng Phật hoàng tại Yên Tử…

Đặc biệt, Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”; khánh thành quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tiếp tục cử chư tăng ra trụ trì các chùa tại các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn; khánh thành chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, chùa Trúc Lâm Tà Lùng 2015 ( tỉnh Cao Bằng), chùa Tân Thanh  (tỉnh Lạng Sơn)…

Đặc biệt, Giáo hội đã tổ chức các đoàn đi hoằng pháp phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu đã thành lập, Giáo hội tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Angola, Mozambichque; củng cố Hội Phật tử Việt Nam tại Lào và Campuchia; kết nối và mời về thăm Việt Nam chư tăng của hệ phái Phật giáo Việt tông đang trụ trì 21 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan. Công tác từ thiện xã hội, chăm lo an sinh cho cộng đồng của Giáo hội trong nhiệm kỳ qua đạt hàng nghìn tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, trong gần hai nghìn năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Phật giáo luôn lấy đức từ bi, hỷ xả, lấy chân – thiện – mỹ để giáo hoá chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp và phương châm hành đạo.

Phó Thủ tướng cho rằng, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa chính trị và xã hội, là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2016 – 2021.

Đánh giá cao và tin tưởng ở vai trò, sức mạnh đóng góp của PGVN trong kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong GHPGVN tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa các Hội Phật tử Việt Nam, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, cùng đồng bào trong nước chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để tăng ni và đồng bào Phật tử ở trong và ngoài nước cùng mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về quan điểm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng Chính phủ tặng bức trướng “Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” cho GHPGVN.

Mục tiêu của Đại hội VIII là: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, thể hiện quyết tâm của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, bản lĩnh nhập thế để xây dựng Giáo hội phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, kiên định theo lý tưởng: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Trong hai ngày 21 và 22/11, Đại hội đã đi sâu phân tích và làm sâu sắc về 9 mục tiêu mà nhiệm kỳ (2017-2022) đề ra và tiếp tục thực hiện tu chỉnh Hiến chương GHPGVN cho phù hợp với Luật tín ngưỡng, Tôn giáo, cũng như định hướng phát triển tầm nhìn đến năm 2030 của PGVN.

Các tham luận thảo luận tại Đại hội tập trung đánh giá, phát huy những kết quả thành tựu phật sự, chỉ ra những hạn chế, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong công tác điều hành các hoạt động phật sự của GHPGVN.

Trên cơ sở này, GHPGVN sẽ đề ra phương hướng hoạt động phật sự cho nhiệm kỳ VIII nhằm đáp ứng sự phát triển và tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Nguồn tin ảnh: Baoquocte.vn

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn