Chiều ngày 19/08/2018 ( nhằm ngày 9/07/Mậu Tuất), hơn 1000 người đã vân tập về Tổ đình chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để tham dự Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu PL. 2562 – DL. 2018.
Quang lâm chứng minh đại lễ có Hòa thượng Thích Thanh Dục – Thành viên Hội đồng chứng minh TƯ GHPGVN, nguyên trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình; TT. Thích Thiện Hưởng – Ủy viên HĐTS TƯ GHPGVN, phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam; TT. Thích Đôn Hậu – Trụ trì chùa Phú Lạc, Phú Xuân , thành phố Thái Bình; ĐĐ. Thích Thanh Quang – Trụ trì Tổ đình chùa Keo, trưởng BTC đại lễ; Sư thầy Thích Đàm Hoa – Phó trưởng BTS GHPGVN huyện Vũ Thư, cùng đông đảo chư tôn thiền đức tăng ni trong và ngoài tỉnh Thái Bình.
Về phía lãnh đạo chính quyền có sự hiện diện của ông: Phan Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình; Ông: Trần Huy Hải – Giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Thái Bình; Ông: Nguyễn Quang Minh – Trưởng Ban tôn giáo Sở nội vụ tỉnh Thái Bình; Ông: Vũ Hồng Quân – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư; Ông: Bùi Văn Thương – GĐ Trung tâm Văn hóa -Thông tin huyện Vũ Thư, trưởng Ban quản lý di tích Tổ đình chùa Keo, cùng các ông bà diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Thái Bình, các cấp lãnh đạo huyện Vũ Thư, các ông bà đại diện cho HĐND, UBND, UBMTTQ xã Duy Nhất, xã Vũ Tiến, xã Vũ Đoài, xã Hồng Phong. BGH các nhà trường: THCS Duy Nhất, Tiểu học Duy Nhất I, Trường mầm non Vũ Nghĩa, đại diện các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và Hội tập phúc Tổ đình chùa Keo, CLB TTNPT Tổ đình chùa Keo, các bạn học sinh, cùng hơn 1000 tín đồ Phật tử và nhân dân địa phương về tham dự đại lễ.
Như chúng ta đã biết, Tổ đình chùa Keo, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một ngôi chùa cổ đã có từ lâu đời, chùa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, xung quanh ngôi chùa là các nhà thờ lớn nhỏ và người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Giáo dân, số lượng Phật tử theo đạo Phật so với đạo Thiên Chúa không đáng là bao. Chính vì lẽ đó, việc quy tụ các Phật tử về chùa tu học và sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh không phải là một việc đơn giản. Trong nhiều năm qua, đại đức Thích Thanh Quang – Trụ trì chùa Keo, cùng Hội Tập Phúc Tổ đình chùa Keo đã luôn nỗ lực tổ chức các hoạt động Phật sự để bà con Phật tử nơi đây thấy mình không bị lẻ loi, không thua kém với tôn giáo bạn. Không những thế các hoạt động Phật sự tại đây cũng luôn được đổi mới để bà con Phật tử và nhân dân địa phương không cảm thấy nhàm chán, một trong những hoạt động Phật sự đã được chư tăng chùa Keo và các Phật tử luôn chú trọng và đã được tổ chức trong nhiều năm qua đó là lễ Vu Lan Báo Hiếu – Một trong những đại lễ tối quan trọng trong Phật giáo.
Trước khi chính thức bước vào Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu, các Phật tử đã được nghe Đại đức Thích Minh Luận thuyết giảng bài Pháp thoại : “ Bến Yêu Thương” nói về công ơn của cha mẹ đối với con cái và làm thế nào để con cái có thể báo đáp thâm ân của cha mẹ.
Đúng 19h cùng ngày đã chính thức diễn ra Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu, thay mặt cho BTC đại lễ, Đại đức Thích Thanh Quang – Trụ trì Tổ đình chùa Keo, trưởng BTC đại lễ đã lên phát biểu khai mạc. Trong bài phát biểu khai mạc Đại đức đã nhấn mạnh: “ Lễ Vu Lan Báo Hiếu từ lâu đã được xem là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng trong Phật giáo. Trải qua mấy nghìn năm qua, truyền thống ấy vẫn được kế thừa và phát huy một cách có ý nghĩa. Quan niệm về ngày Báo hiếu đã đi sâu vào tâm trí mỗi người. Phận con cái thì ai cũng phải hiếu thuận, là người hiếu thuận phải thường nghĩ tới công ơn cha mẹ và tìm cách để báo hiếu cha mẹ. ”. Thông qua bài phát biểu này, đại đức trụ trì cũng muốn nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu và mỗi người chúng ta phải biết hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ bởi Đức Phật đã dạy : “ Tâm Hiếu là tâm Phật, Hạnh Hiếu là hạnh Phật”, chữ Hiếu trong Đạo Phật vô cùng quan trọng, chính vì thế nên Đạo Phật còn được gọi là Đạo Hiếu.
Trong các kinh điển Phật giáo đều đề cao công ơn cha mẹ, trong Kinh tăng Chi Đức Phật dạy : “Có hai hạng người , này các Tỳ kheo , ta nói không thể trả ơn được đó là mẹ và cha”. Đối với bất thứ tình cảm nào rồi cũng nhạt phai với thời gian , chỉ có tình Mẹ thương con là ngàn năm bất tận. Trái tim Mẹ là một kỳ quan của vũ trụ , nước mắt của Mẹ nhiều hơn biển Thái Bình Dương . Mẹ thương con vô bờ bến và vô điều kiện. Ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu không chỉ là ngày để chúng ta ôn lại chữ Hiếu trong đạo Phật mà còn là ngày để chúng ta ôn lại truyền thống quý báu của Dân tộc Việt Nam, trên tinh thần “ Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.
Tại mỗi buổi lễ Vu Lan Báo Hiếu thì có một nghi thức trong Phật giáo không thể thiếu đó là nghi thức Bông Hồng Cài Áo, nghi thức này do Hòa thượng Thích Nhất Hạnh sáng lập. Trong một chuyến công tác tại đất nước Nhật Bản, Thiền sư lấy làm lạ khi thấy người Nhật thành kính cài tặng cho Ngài một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, nên Thiền Sư đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu trong nhà Phật, đồng thời sáng tác ngay tác phẩm “Bông Hồng Cài Áo” ngay sau khi tham dự buổi lễ.
Bông hoa hồng được lựa chọn là biểu tượng của tình yêu và sự cao quý, với ý nghĩa đó cứ đến ngày lễ Vu Lan là hoa hồng lại được chọn làm biểu tượng của tình yêu thương đối với cha mẹ; Ai còn mẹ sẽ được tự hào và may mắn khi được cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu đỏ, bông hồng màu hồng dành cho những ai còn mẹ mất cha và bông hồng màu trắng dành cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời. Nhưng cho dù như thế nào đi chăng nữa thì cha mẹ vẫn luôn hiện hữu, luôn theo dõi từng bước đi của chúng ta.
Để tri ân công ơn của cha mẹ, cũng như để tường nhớ đến cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ đã quá vãng, Ban tổ chức đại lễ đã tổ chức Đêm hoa đăng tri ân cha mẹ, mỗi ngọn nến tượng trưng cho trái tim của mỗi người con dành tặng cho cha mẹ, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được phúc thọ tăng long và ông bà cha mẹ đã quá vãng được siêu sinh về miền Tịnh Độ.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Ban TTTT Tổ Đình chùa Keo