Lễ hội Chùa Keo mùa Thu 2016 diễn ra từ 10/10 đến 15/10/2016

UBND huyện Vũ Thư (Thái Bình) công bố, Lễ hội Chùa Keo mùa Thu 2016 diễn ra từ 10/10 đến 15/10/2016. Lễ hội năm nay còn là dịp kỷ niệm 1000 năm ngày sinh của Đức Thánh Dương Không Lộ và đề nghị công nhận Lễ hội Chùa Keo là di sản phi vật thể Quốc gia.
Chùa Keo (Thần Quang tự) hiện nằm trên địa bàn xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư  được xây dựng vào năm 1632, có tên chữ là Thần Quang Tự, và hiện tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay do một vị quan lớn thời Lê – Trịnh đứng ra khởi công xây dựng lại, đó là quận công Hoàng Nhân Dũng ở làng Tứ Quán, phủ Hải Thanh.

Chùa Keo Thái Bình là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, hiện còn tồn khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Đây là một di tích có quy mô kiến trúc cổ rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam, chùa Keo cũng có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, riêng có. Theo văn bia và địa bạ chùa Keo thì diện tích toàn khu kiến trúc rộng 28 mẫu (100.800m2), bề ngang dài gần 500 mét, chiều sâu khoảng 200 mét. Hiện tại Chùa Keo có tổng diện tích 41.561,9m2.
Chùa Keo quay mặt hướng chính nam, các công trình Chùa Keo được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “nội nhị công, ngoại nhất quốc”, là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ (gỗ lim) và  là công trình nghệ thuật lớn nhất với 12 tòa,102 gian  kiến trúc chính và 4 toà, 24 gian của các công trình kiến trúc phụ trợ, tổng số là 16 toà, 126 gian. Các công trình kiến trúc chính của chùa Keo gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, Chùa Phật, Toà chùa Ông Hộ, Toà ống muống, Toà Tam bảo, Đền Thánh, Toà Giá roi, Toà Thiêu hương, Toà Phụ quốc, Toà Thượng Điện và cuối cùng là Gác chuông. Các công trình kiến trúc phụ trợ khác tại Chùa Keo gồm có khu tăng xá, trong đó có nhà tăng xá, hai nhà khách ở phía đông và phía tây của nhà tăng xá; nhà của ban quản lý Chùa Keo.

13723840_167498867000620_7115113766563093332_o (Copy)

Như bao ngôi chùa khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Chùa Keo là nơi thờ Phật , nhưng  đặc điểm riêng của chùa Keo ngoài thờ Phật còn có thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh) và phối thờ một số người có công trong việc xây dựng chùa Keo. Vị thánh được thờ là thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học. Ông được thờ như một vị tổ sư, song Dương Không Lộ còn được thờ như một vị Thành hoàng của làng Dũng Nhuệ xưa. Tháng 9- 2012, Chùa Keo được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia dặc biệt.

Lễ hội truyền thống Chùa Keo năm nay được tổ chức từ ngày 10 đến hết ngày 15/10/2016 (tức ngày 10/9 đến 15/9 âm lịch). Trong 5 ngày sẽ diễn ra các hoạt động lễ và hội. Đặc biệt từ 5h30 phút sáng ngày 10-10 sẽ diễn ra Lễ Khai chỉ tại tòa Giá Roi- một nghi lễ đặc biệt và linh thiêng. Từ 7h30 đến 11h là chương trình lễ khai mạc lễ hội với màn trống hội hoành tráng và màn biểu diễn hát du thuyền giao duyên trên hồ trước cửa Tam Quan. Buổi chiều và 4 ngày tiếp theo là các hoạt động lễ Phật, lễ Thánh và rước kiệu Thánh ra Tam quan ngoại và  vào Đền Thánh, vào nội tự chùa – một lễ rước độc đáo ở Chùa Keo.

Cùng với phần lễ trang  trọngvà linh thiêng  là các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chới giải trí với các trò chơi dân gian kéo co, biểu diễn võ thuật, thi têm trầu cánh phượng, chọi gà, đập niêu, bịt mắt đánh trống, leo cầu ngô bắt vịt, thi hát văn, …Ông Phạm Công Diện – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Lễ hội mùa Thu Chùa Keo 2016 nhấn mạnh: Đây là dịp  tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật độc đáo của di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, giới thiệu mảnh đất con người Vũ Thư , góp phần thúc đấy phát triển kinh tế – văn hóa xã hội của địa phương. Huyện Vũ Thư đã chuẩn bị rất chu đáo và sẵn sàng chào đón khách thấp phương về trẩy hội.
Quý Hưng – Mạnh Tùng baodautu.vn

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn